Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Người mẹ già làm mướn nuôi 2 con bệnh tật

 
Có ở trong hoàn cảnh khó khăn mới thấu hiểu được nỗi cùng cực của người mẹ có 2 con trai đều bị bệnh thần kinh ấy. Bằng tình thương của người mẹ dành cho con, không quản ngại cực khổ, ngày ngày dù có ốm đau bà vẫn phải đi làm mướn để chắt chiu từng đồng nuôi 2 con qua ngày. Người mà chúng tôi muốn nói đến là bà Phạm Thị Ba ở khu phố Bình Thung 2, phường Bình An, TX.Dĩ An...
Bà Ba lấy chồng nay cũng gần 40 năm. Gia đình nhà chồng cũng nghèo nên vợ chồng bà chỉ biết dựa vào sức mình kiếm sống. Như bao người mẹ khác, bà hạnh phúc biết bao khi 3 đứa con trai lần lượt ra đời. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu thì người con đầu (sinh năm 1974) và con thứ 2 (sinh năm 1975) mắc chứng bệnh thần kinh. 15 năm trước, người chồng của bà cũng phát hiện mắc bệnh lao. Nhà nghèo, con lại bệnh nên ông cũng phải đi làm thuê để kiếm tiền phụ vợ lo cho con. Chính sự lao lực đó đã khiến sức khỏe của ông ngày một suy kiệt và dần dần không còn phụ vợ được gì nữa. Hơn một năm trước, chồng bà nằm liệt một chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân của chồng, 2 con bị bệnh đều do bà lo liệu. Trong khi đó, bà còn phải đi làm mướn để lo cái ăn cho cả gia đình, với sự phụ giúp của người con trai út đang đi làm công nhân.
 
 Bà Ba bên người con trai thứ hai bị bệnh thần kinh
Sự bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha người vợ, người mẹ nghèo ấy. Khoảng một năm trước, người con trai út - niềm an ủi còn lại của bà - cũng đã mất vì bị tai biến. Người con trai út của bà ra đi chưa được bao lâu thì chồng của bà cũng mất (cách nay khoảng 4 tháng) vì sức khỏe quá yếu. Không có tiền, bà nhờ người quen vay mượn 7 triệu đồng để lo đám tang cho chồng. Sau khi lo đám tang cho chồng xong, bà trả được 2 triệu đồng, còn nợ lại 5 triệu đồng. Khoản nợ ấy đến nay vẫn còn giữ nguyên vì bà không có khả năng trả. Đó là chưa kể, một tháng bà phải chạy vạy ngược xuôi để có được 500.000 đồng trả tiền lãi cho chủ nợ. Bà nói: “Biết vay như thế là lãi quá nhiều, nhưng không vay thì lấy gì lo cho chồng. Để vay được số tiền ấy, tui phải nhờ người quen vay dùm chứ tui nghèo thế này đi vay họ không cho...”.
Gánh nặng gia đình lại đè thêm lên đôi vai gầy yếu của bà. Bà tưởng mình không thể gượng dậy nổi. Nhưng mỗi khi anh thứ hai lên cơn động kinh, bà phải gượng dậy ôm con vào lòng, cạo gió, pha nước chanh cho con uống. Ngày ít thì một lần, ngày nhiều thì ba lần. Mỗi lần lên cơn co giật như thế từ 5 - 30 phút sau anh mới trở lại bình thường. “Bị giật riết như thế nên sức khỏe, tinh thần của nó cũng không được bình thường nữa. Đó là chưa kể, mấy năm nay, không biết cái phong xù gì đó mọc lên đầy mặt nó, ai lạ nhìn thấy nó cũng sợ cả...”, bà Ba nghẹn ngào khi kể về người con trai thứ hai của mình.    
Lo cho người con thứ hai chưa xong, bà lại quay sang lo cho người con trai đầu. Anh này cũng bị bệnh thần kinh, không lên cơn co giật nhưng hay bỏ nhà đi lang thang. Thường thì anh đi lang thang đến chiều bụng đói cũng biết tìm đường về nhà, nhưng có nhiều hôm đến tối vẫn chưa thấy anh về nên bà lại tất tả đi tìm. Bà Ba chia sẻ: “Một mình vừa phải đi làm mướn kiếm tiền, vừa phải lo cho 2 con bệnh tật như vậy nên bà con trong xóm thấy tui cũng thương, giúp đỡ thêm cho. Ngày nào có người thuê, tui gửi thằng thứ hai cho hàng xóm để đi làm phòng khi nó lên cơn co giật có người bên cạnh. Còn thằng đầu tui cũng gửi cho một người bà con ở Phú Giáo trông giúp. Vậy mới có thời gian đi làm mướn cho người ta được. Nếu không lấy tiền đâu ra để đong gạo, mua mắm muối qua ngày. Mà tui giờ cũng già rồi, nên ít người mướn lắm. Ngày nào có người kêu thì kiếm được 50.000 đồng, coi như ngày đó có ăn. Còn không có ai kêu thì coi như đói cả nhà...”.
Nhìn ngôi nhà tường xây, tôi buột miệng: “Khó vậy mà cô xây được ngôi nhà này cũng giỏi lắm rồi đó”. Bà Ba bộc bạch rằng, ngày trước vợ chồng con cái bà ở trong một cái chòi rách nát bên cạnh. Đây là nhà của người chị chồng. Sau khi chị chồng chuyển về phường Bình Thắng ở, mới cho gia đình bà căn nhà này để tránh mưa, tránh nắng với một điều kiện “chỉ được ở, không được bán”. Bà nói: “Nhà thì xây đó, nhưng mưa cũng ướt hết cô ơi! Những ngày trời tạnh ráo thì còn đỡ, nhưng đêm nào trời mưa thì coi như thức cả đêm vì nền nhà ướt hết không có chỗ để ngủ...”. Nghe bà nói, tôi ngước nhìn lên mái nhà. Đúng là tấm tôn nào cũng có nhiều lỗ thủng.
Mái nhà thì thủng, còn trong nhà cũng không có gì. Ngay cả chiếc giường nằm, hay cái ghế để ngồi cũng không có lấy một cái. “Ngay cả bản thân tui, từ ngày lấy chồng đến nay đã 60 tuổi mà chưa bao giờ may cho mình một cái áo hay cái quần mới, toàn mặc áo quần cũ người ta cho thôi...”, nói đến đây giọng bà như nghẹn lại. Mà thật, cái khổ cứ bám lấy bà quanh năm suốt tháng như thế thì lấy đâu dư dả. Bà bày tỏ: “Bây giờ tui chỉ mong có tiền để trả nợ cho người ta. Nếu không tháng nào cũng phải đóng tiền lãi như thế thì lấy đâu ra tiền lo cho con.
HỒNG THUẬN

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Hãy giúp em thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật

 
Cũng giống các bạn bè cùng trang lứa, với biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão chờ đợi thực hiện, nhưng những căn bệnh quái ác liên tiếp ập đến đã cướp đi tương lai tươi sáng của chàng thanh niên đang ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu...
Chúng tôi tìm đến nhà của em Nguyễn Văn Vũ (SN 1993) ngụ 69 ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát. Ra tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1969) cha em Vũ, một người đàn ông khắc khổ, đen sạm vì nắng gió qua những tháng ngày mưu sinh chữa bệnh cho con. Ông cho biết, trước đây Vũ cũng là một thiếu niên khỏe mạnh, em cũng học hành, vui chơi và giúp đỡ gia đình như bất kỳ một đứa con hiếu thảo nào khác. Thế rồi đến một hôm cách đây 3 năm (2009), em đột ngột đổ bệnh và quằn quại trong đau đớn. Sau gần 1 tháng cấp cứu và điều trị mất hơn 40 triệu đồng, gia đình ông được các bác sĩ cho biết một sự thật phũ phàng: Vũ bị liền hai căn bệnh hiểm nghèo: hư thận, hở van tim dạng nặng cùng với chứng bệnh cao huyết áp. Nhìn Vũ ngày càng xanh xao, gầy còm trước sự hành hạ của căn bệnh hiểm nghèo, trời đất như sụp đổ trước gia đình ông Thành khi người con trai duy nhất lại phải gánh chịu nỗi bất hạnh quá lớn.
 
Dù bị bệnh tật hành hạ, Vũ vẫn cố gắng giúp cha mẹ việc nhà
Theo những bà con lối xóm của ông Thành cho biết, trước đây gia đình ông cũng không đến nỗi nghèo túng như vậy, nhưng từ khi con đổ bệnh tài sản tiền bạc trong gia đình ông cứ dần ra đi theo những lần chữa bệnh cho Vũ. Dù biết bệnh tình của con rất nặng, khó điều trị và tốn kém nhưng ông vẫn quyết chạy vạy, vay mượn khắp nơi nhằm giúp cho đứa con thân yêu duy trì sự sống được ngày nào hay ngày đó. Ông Thành tâm sự, trong 3 năm qua, số tiền điều trị cho Vũ đã vượt hơn 150 triệu đồng và hiện gia đình ông đang nợ gần 100 triệu đồng chưa thể trả nổi. Trong đó, nợ bà con lối xóm gần 60 triệu đồng, nợ Hội Phụ nữ xã 10 triệu đồng và cầm giấy tờ nhà cho ngân hàng lấy 10 triệu đồng đã 3 năm qua nhưng chưa thể chuộc lại được...
Với công việc nấu ăn cho trường mẫu giáo ở xã, bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1970) vợ ông chỉ thu nhập được hơn 1,5 triệu đồng/tháng, cùng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng bằng việc đi làm thuê mủ cao su cho hàng xóm của ông, hiện tại thu nhập của cả hai ông bà cũng chỉ đủ cho chi phí điều trị và thuốc men của Vũ. Số tiền hai bên nội ngoại và người con gái lớn đã lấy chồng gửi về được gia đình ông chi tiêu rất dè xẻn nhằm phòng cho những lúc cấp bách. Do dồn hết tiền bạc vào việc điều trị cho con, hàng ngày sau khi đi làm về, nhằm cải thiện thêm cho bữa ăn cho gia đình, ông và vợ lại thay phiên nhau ra đồng câu cá, hái rau đến tối mịt mới về.
Trong thời gian qua, chính quyền xã An Tây cũng đã rất quan tâm giúp đỡ đến gia đình ông. Hàng tháng, ngoài tiền hỗ trợ cho hộ nghèo, Hội Chữ thập đỏ của xã còn thường xuyên vận động quyên góp để ủng hộ cho gia đình ông. Tuy số tiền không nhiều nhưng ông thật sự rất cảm động vì sự quan tâm của chính quyền địa phương đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và từ đầu năm 2012, gia đình ông đã được cấp sổ bảo hiểm dành cho người nghèo, nhờ đó mà gánh nặng chi phí chữa bệnh cho Vũ cũng phần nào được giảm bớt (trước kia mỗi tháng gia đình ông phải mất hơn 6 triệu đồng điều trị bệnh, nay còn hơn 3 triệu đồng).
Vào thời điểm này, dù bệnh tình có phần thuyên giảm, nhưng để duy trì sự sống cho Vũ, mỗi tuần em phải được chạy thận nhân tạo 3 lần và uống rất nhiều thuốc để trị bệnh tim. Em xanh xao và rất đau đớn mỗi khi căn bệnh quái ác hành hạ. Trong năm nay, em đã 1 lần phải nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và 2 lần ở bệnh viện tỉnh. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh tim của Vũ thuộc dạng rất nặng, hở 3 van, nếu chỉ uống thuốc mà không tiến hành phẫu thuật thì khó lòng duy trì sự sống lâu dài được cho em.
Mọi sự giúp đỡ em Nguyễn Văn Vũ xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 69 ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát.
BÌNH MINH

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Tuổi già đơn lẻ


 
Gia đình là tổ ấm. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh (Tân Uyên) suốt mấy mươi năm qua bà sống cô đơn, lẻ bóng. Giờ đây đã bước qua tuổi 80, bà vẫn sống lầm lũi trong căn nhà không có người thân thích.
Bà giải thích, bà con xung quanh đa số đều có cao su, lũ chó con, mèo con ăn vào rồi chết, nên họ đem đến nhờ bà nuôi hộ, đến khi chúng đủ “khôn” thì tiếp tục đưa về nuôi. Đổi lại, họ cho bà, khi thì chén cơm, ổ bánh mì ăn qua bữa. Hiện bà đang sống trong căn nhà tình thương do địa phương xây tặng. Quả thật căn nhà không có gì đáng giá, trong nhà là mấy chiếc giường cũ kỹ với mớ quần áo cũ chất đống đến ngộp thở do xóm giềng cho bà mặc. Căn bếp không có gì ngoài mớ chai lọ bà lượm để dành bán ve chai. Mọi sinh hoạt của bà Anh gần như là ở ngoài sân. Một góc sân là bếp củi với vài cái nồi sứt quai. Gia vị nấu nướng rất nghèo nàn, chỉ có chai nước mắm, hũ muối, vài hũ mắm ruốc đã cạn. Lương thực thì không thấy đâu cả. Khi được hỏi ngày nay ăn gì, bà trả lời: có gì đâu mà ăn. Trưa rồi tính! Không có tiền thì bà đi mua thiếu, mua chịu. Rồi bà kể đang còn nợ tiền thức ăn, tiền gạo, tiền mặt khoảng gần 500.000 đồng, không biết lấy đâu mà trả.
 
Thỉnh thoảng ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng đến hỏi thăm cuộc sống của bà Ngọc Anh
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh cho biết, bà Ngọc Anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà đã được địa phương xây, sửa nhà tình thương nhiều lần, hàng tháng được lãnh trợ cấp 340.000 đồng, được Hội Chữ thập đỏ xã cấp 10kg gạo mỗi tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế người nghèo. Số tiền này dù không thấm tới đâu nhưng cũng có để bà phần nào xoay xở trong cuộc sống hàng ngày.
Ngay từ khi sinh ra, bà Ngọc Anh đã là người bất hạnh. Mẹ bà đã mất khi bà vừa chào đời tại bệnh viện. Kể từ đó, bà sống cô đơn một mình cho đến tận bây giờ. Ký ức tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày buồn. Ngày ngày, bà sống lầm lũi, quạnh quẽ trong căn nhà đơn sơ ấy. Tivi không có, radio cũng không, bà như người sống biệt lập trong cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống. Có lẽ vì nghèo, thất học, nên bà đã quen với lối sống ấy rồi chăng?
Không gia đình, không tài sản, cả đời bà chỉ biết làm mướn, làm thuê.  Khi còn trẻ, ngày ngày bà đi giẫy cỏ mướn kiếm sống. Vì thương bà nên bà con hay cho thêm tiền mỗi khi có việc nhờ đến bà. 3 năm trở lại đây, do tuổi già, sức yếu, bà không còn đi làm được nữa, chỉ biết sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm. Chị Xuân, một hàng xóm của bà Ngọc Anh kể: “Hoàn cảnh bà thật tội nghiệp. Vì thiếu ăn, thiếu mặc nên trông bà gầy đét vậy đó. Dù nghèo không có ăn nhưng bà thương chó, mèo lắm. Hễ ai cho ổ bánh mì là bà ăn một nửa, chó, mèo ăn một nửa. Thấy vậy nên nhiều người đem chó con, mèo con đến nhờ bà chăm sóc giùm”.
Đến nay, bà Ngọc Anh đã bước qua tuổi 80. Theo thời gian, tuổi ngày càng cao mà sống một mình, chẳng may đêm hôm trái gió trở trời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy mà khi chúng tôi gợi ý vô sống ở trại dưỡng lão, bà gạt phăng: Tôi ở tự do quen rồi, vô đó có người quản lý tôi thấy khó chịu lắm. Rồi bà cứ gặng hỏi chúng tôi ghi chép cuộc đời bà để làm gì? Chúng tôi bảo rằng, để các nhà hảo tâm đọc được bài báo viết về bà mà hỗ trợ. Trước mắt, lãnh đạo Báo Bình Dương sẽ đến thăm và tặng bà 2 triệu đồng, giúp bà trang trải cuộc sống. Khi nghe nói đến tiền triệu, bà mừng như vớ được vàng. Bởi cả cuộc đời bà luôn sống thiếu trước, hụt sau, làm gì có tiền triệu trong tay, bà vui mừng cũng là hợp lẽ.
H.Thái

Anh Nguyễn Văn Ngọc mong được giúp đỡ


 
(BDO)
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Ngọc được bà con ở huyện Phú Giáo chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chữa trị sau khi bị tai nạn giao thông. Hiện tình trạng sức khỏe của anh rất yếu, lúc tỉnh, lúc mê. Anh Ngọc là người hiền từ, sống có tình cảm, nhưng không có người thân, vợ con…, rất mong được các nhà Mạnh Thường Quân giúp đỡ.
Sáng 24-8, ông Nguyễn Văn Tâm ở ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã tìm đến bệnh viện thăm hỏi, động viên anh Ngọc cố gắng chiến thắng bệnh tật, đồng thời tặng anh Ngọc số tiền 500.000 đồng hỗ trợ thuốc men. Ông Tâm cũng đã liên hệ với phóng viên phụ trách chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương mong kịp thời lên tiếng giúp đỡ anh Ngọc. Ông Tâm cho biết: “Tuy không phải là dân địa phương nhưng nhắc đến Ngọc thì nhiều người biết và thương. Của ít lòng nhiều, bản thân tôi cùng bà con ở xã Phước Hòa rất mong các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ cùng anh Ngọc”.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm đến thăm hỏi anh Ngọc sáng 24-8 tại Bệnh viện
Đa khoa tỉnh.
Sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, anh Ngọc đã qua được cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn lúc tỉnh, lúc mê. Bà Nguyễn Ngọc Sương, người trực tiếp chăm sóc anh Ngọc trong nhiều ngày qua kể: Năm nay anh Ngọc 47 tuổi, quê ở Hải Phòng. Từ nhỏ, anh đã tìm vào Nam sinh sống. Không nhà cửa, không người thân nên anh sống nương tựa vào bà con ở xã Phước Hòa. Ai kêu gì làm đó, làm việc cho ai thì xin ngủ nhờ nhà người đó. Cuộc sống của anh cứ thế hết ngày này sang ngày khác. Nghèo khó, khổ cực bao nhiêu anh cũng đã nếm trải, nhưng nhờ được trời thương cho anh sức khỏe tốt, ít khi bị ốm đau, bệnh tật. Anh rất chăm chỉ làm việc, có thể đảm đương nhiều công việc nặng từ cuốc đất đến đào hầm, đào cống, phụ hồ…
Bà Sương cho biết: “Qua dò hỏi sự việc, một người bạn của anh Ngọc kể lại, chiều 12-8, do xe của anh ấy hết xăng nên chú Ngọc vừa chạy xe máy vừa đẩy xe của bạn. Khi đến đoạn đường đá, chú Ngọc trượt chân té ngã cả người lẫn xe, mình mẫy đấy thương tích. Tôi mong các nhà hảo tâm cứu giúp chú Ngọc, bởi gia đình chúng tôi đã hết cách xoay sở, chữa trị cho chú ấy”.
Cách đây khoảng 20 năm, thấy anh Ngọc lang bạc mãi cũng tội nghiệp, nhất là khi đêm đến không có chỗ để nằm, gia đình bà Sương đã hỗ trợ những vật liệu cũ như tôn, cây để cất tạm cho anh căn chòi nhỏ trên đất của mình. Kể từ ngày đó, anh mới chính thức có nơi sớm tối đi về. Hầu hết thời gian trong mấy chục năm qua anh đều làm công cho những người dân ở xã Phước Hòa. Nhờ siêng năng, tình tình hiền từ nên bà con ai cũng thương. Nhiều lúc, ngoài việc trả lương, bà con còn gói cho anh lon gạo, đùm thức ăn hoặc bó rau lúc ra về. Có đám, tiệc cũng nhờ anh đến phụ giúp khiêng bàn ghế.
Bà Sương tâm sự: “Thấy Ngọc sống một mình cũng tội nghiệp, cứ chiều đến cắm nồi cơm rồi mua gì đó nấu ăn qua bữa là xong. Nhiều lúc khi nấu canh, kho cá tôi đưa cho chú ấy một phần. Có hôm đi về trễ tìm lên nhà than đói bụng, liền vào bếp nhà tôi tìm cơm nguội, mì tôm. Chú Ngọc cũng đã về quê, nhưng rồi lại trở vào. Chú bảo: Ở trong này lâu nên đã quen, về ngoài đó thấy không thích hợp”.
Này nào cũng vậy, dù có đi làm mướn hay không anh Ngọc vẫn thức dậy từ rất sớm nấu nước, pha trà. Sáng 13-8-2012, khi đã 11 giờ trưa anh Ngọc vẫn chưa thức dậy. Thấy có chuyện chẳng lành, bà Sương tìm xuống hỏi thăm thì thấy anh nằm trên võng, tay chân duỗi thẳng xuống đất kiến bu đầy người. Bà gọi mãi không thấy anh trả lời, sờ vào người thì thấy tay chân lạnh ngắt. Tưởng anh Ngọc bị trúng gió nên bà Sương điện thoại cho chồng, con chạy về phụ giúp. Bà nấu cháo anh cũng không thể nuốt nổi, trước hoàn cảnh éo le gia đình bà thay nhau chăm sóc, thuốc men. Được chừng 3 ngày, bà nghe anh Ngọc than nhức đầu nên lập tức đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ ở đây cho biết, anh Ngọc bị chấn thương sọ não, tụ máu bầm trong não nên phải phẫu thuật gấp. Gia đình bà Sương gom góp được 8 triệu đồng, nay đã chữa trị cho anh hết tiền, không biết phải xoay sở làm sao. “Mấy ngày nay, tôi đã tìm đủ cách liên hệ với gia đình anh Ngọc để thông báo tình trang sức khỏe của anh, nhưng được biết phía gia đình anh Ngọc rất khó khăn. Có một người anh ruột từ Đồng Nai qua thăm nhưng rất nghèo, cũng làm thuê cuốc mướn nên không giúp đỡ được gì nhiều”, bà Sương bày tỏ.
Chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm giúp anh Ngọc sớm qua khỏi cơn hiểm nghèo. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ điện thoại: Bà Sương 0169.8653036, hoặc ông Tâm 0986.512139.
Quang Tám

Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo


Ở cái tuổi 71, cái tuổi “xưa nay hiếm” đáng lẽ người mẹ già ấy đã được thanh thản vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng hàng ngày cụ vẫn phải cặm cụi đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi lượm mủ đất bán để lấy tiền nuôi người con trai hơn 40 tuổi bị mù, mắc bệnh tiểu đường. Đó là hoàn cảnh của cụ Lại Thị Phơi, ngụ tổ 2, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo.
Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến thì cụ vẫn đang đi mót mủ đất trong lô cao su. Biết chúng tôi đến để viết về hoàn cảnh của cụ, một người hàng xóm cùng cháu ngoại cụ vội vàng chạy đi tìm cụ. Chờ đợi khoảng 30 phút sau, chúng tôi thấy đi theo sau người hàng xóm là một cụ già nhỏ thó, trên chiếc xe đạp cà tàng phía trước treo một chiếc túi hai quai, phía sau xe ràng một chiếc bao khoảng chừng 3 - 4kg mủ đất. Vội vàng dựng chiếc xe cà tàng vào gốc cây và quệt những giọt mồ hôi đang chảy trên khuôn mặt nhăn nheo cụ nói “do chờ các cô, các chú lâu quá, nên tôi tranh thủ đi mót ít mủ đất về để bán, biết các cô chú đến nên tôi chỉ mót loanh quanh gần đây để khi cần hàng xóm, con cháu tìm cũng tiện. Chứ mọi khi tôi đi cách xa cả chục cây số. Đi xa như vậy để kiếm những lô nhiều mủ đất mới mong có tiền lo cho nó”. Dứt lời, cụ đưa chúng tôi vào một túp lều lụp xụp khoảng chừng 9m2 mà cụ gọi là cái nhà được quây bằng những tấm bạt, rồi cụ chỉ tay vào anh con trai đang nằm trên chiếc võng giữa mùi hôi nồng nặc trong căn lều giữa cái nắng chiều gay gắt. Đó là anh Trần Văn Trung, con trai lớn của cụ Phơi, anh Trung năm nay 43 tuổi hiện đang mắc bệnh tiểu đường mà theo cụ cho biết đã ở giai đoạn nặng (độ 3) và bị mù cả hai mắt. Rưng rưng dòng nước mắt cụ nói về đứa con của mình với một nỗi khát khao. Cụ nói, tôi chỉ cầu mong trời phật cho mình sức khỏe còn kiếm được đồng tiền mà nuôi nó qua ngày. Nó là con trai lớn trong nhà, còn một đứa em gái và một đứa em trai; do tụi nó đứa nào cũng nghèo nên chẳng giúp được gì cho mẹ với anh. Lúc trước thằng Trung nó còn mạnh thì mẹ con mướn nhà ở lắt lây, sau này khi bệnh tiểu đường của nó chuyển qua giai đoạn nặng nó đi lại khó khăn hơn, tiền cũng không có nên mẹ con đành dọn về đây dựng một túp lều trên một phần đất của đứa con rể và một phần đất của hàng xóm cho ở nhờ. Hàng ngày tôi đi mót mủ đất, thời điểm giá mủ cao thì mỗi ngày được từ 20.000 - 25.000 đồng, còn hiện nay thì chỉ khoảng 15.000 đồng là quý lắm.
 
Cụ Lại Thị Phơi và con trai, anh Trần Văn Trung trong túp lều ở đậu
Khó khăn lại càng khó khăn hơn, khi năm 2010 anh Trung bị biến chứng mù cả hai mắt. Theo anh kể nghe một người bạn mách nước muốn trị khỏi bệnh tiểu đường chỉ cần bắt con cóc rồi lấy hạt cau giã ra và nướng lên ăn cùng với cóc sẽ khỏi. Nghe lời mách nước anh Trung làm theo và anh đã mù hoàn toàn đôi mắt. Từ đó đến nay cuộc sống của anh hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ già. Từ tiền ăn, uống hàng ngày cho đến tiền đi bệnh viện điều trị căn bệnh tiểu đường quái ác đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính là mấy trăm ngàn tiền trợ cấp người cao tuổi của cụ Phơi cùng những ngày công mót mủ đất của cụ. Cụ Phơi cho biết mặc dù hiện nay cụ được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhưng số tiền chi phí đi lại, ăn uống và cả thuốc thang không có trong danh mục cấp phát cũng là một khoản tiền khá lớn. Cứ khoảng 10 ngày cụ lại phải đưa anh Trung đi bệnh viện điều trị bệnh khoảng 3 tuần rồi lại về, cứ như vậy suốt mấy năm nay. Lặng nhìn đứa con đau bệnh nằm trên chiếc võng, cụ xót xa: Tôi khổ thế nào cũng chịu được, chỉ mong nó bình phục, mạnh trở lại. Không biết lỡ một ngày nào đó tôi kiệt sức thì nó ra sao đây. Cũng may vừa qua nó vừa được mổ mắt miễn phí, nên hiện nay một mắt nó cũng đã nhìn thấy đường, còn lại một mắt nữa tôi đang chờ mong có đợt nào đó xin cho nó đi mổ tiếp. Dù sao nó nhìn thấy đường và đi lại được, tôi không còn phải lo cho nó tất cả mọi việc thì cũng đỡ phần nào. Giờ chỉ có căn bệnh tiểu đường của nó nữa...
Chia tay cụ Lại Thị Phơi, chúng tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh người mẹ già nhỏ thó đầu đội nón mê, tay dắt chiếc xe đạp cà tàng, phía trước chiếc túi, phía sau chiếc bao, khuôn mặt gầy gò khắc khổ, lúi cúi lượm những miếng mủ đất; hay ngồi trong căn lều lụp xụp cùng với người con trai bệnh đau với mong ước giản dị là “tui chỉ mong sao tôi khỏe mạnh để làm kiếm tiền nuôi nó”. Một ước mong giản dị của một người mẹ đã ngoài 70 nhưng vẫn hàng ngày lặn lội vào lô cao su để nhặt từng miếng mủ đất.
HOÀI PHƯƠNG

Tôi ước được đi làm trở lại để lo cho mẹ...

Mới dừng chân đầu hẻm hỏi nhà của mấy mẹ con nghèo khó, bệnh tật cần giúp đỡ, bà con ở gần đó đã đon đả chuyện trò, kể về gia đình này. Bởi, bằng tình cảm xóm giềng, họ mong có thật nhiều người giúp đỡ “mấy mẹ con nhà bác ấy bớt khổ, nhà có 3 người hết 2 người tật nguyền”...
 
Anh Thành cụt chân bên người mẹ nằm một chỗ vì tai biến
Tìm đến nhà bà Trần Thị Giò, 79 tuổi, ở số 236/16 hẻm 12 đường Nguyễn  Văn Tiết, P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chúng tôi gọi mãi mới có người trả lời. Hóa ra, hai chị em đang ở nhà dưới chăm sóc mẹ và “để mẹ bớt buồn vì bị tai biến nằm liệt giường 7 năm nay rồi”... Trong nhà bà Giò còn 2 người con. Cô con gái tên Nguyễn Thu Hiền, SN 1956 không có chồng, ở vậy nuôi mẹ. Anh con trai Nguyễn Hữu Thành, SN 1960 bị cụt chân phải. Anh kể: ngày trước, gia cảnh anh không đến nỗi nào. Ba mất từ khi anh 3 - 4 tuổi nhưng mẹ anh vẫn tảo tần buôn bán để lo cho 5 đứa con, 3 trai, 2 gái. Rồi 3 đứa lập gia đình ở riêng. Anh và chị Hiền vẫn ở vậy bên mẹ. Trước ngày bị bệnh, anh là lao động chính trong nhà. Làm thợ mộc lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng tằn tiện lo được cho ba mẹ con. Thế nhưng, trước Tết Nhâm Thìn 2012 này, anh bị bệnh trĩ phải đi điều trị. Về nhà dưỡng bệnh, anh tranh thủ sơn quét nhà cửa để đón tết. Anh nói: “May mà tôi làm kịp. Đó là công việc tôi làm khi còn 2 chân! Giờ thì chịu rồi”... Cả nhà đón tết bình thường nhưng đến ngày 23 tháng giêng, giống như mẹ, anh lại bị tai biến.
Cơn bệnh như... sầm sập kéo đến khi anh đang nằm ngủ bỗng dưng cảm nhận 2 chân rất lạnh rồi cứng đơ không cử động được. Nhờ hàng xóm đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 ngày sau anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ khám và cho biết anh bị chứng xơ vữa động mạch. Chân phải dần dần bị hoại tử vì tắc nghẽn mạch máu và anh phải đoạn chi đến quá đầu gối. Để có tiền lo cho ca phẫu thuật và tiền thuốc men, anh cả của anh là Nguyễn Hữu Duyên phải đứng ra vận động, vay mượn tất cả mọi nơi. Người thân giúp mỗi người một ít để trang trải.
Hoang mang, một bầu trời tối đen trước mắt là cảm nhận đầu tiên của anh khi tỉnh dậy sau ca mổ và thấy mình từ nay không còn lành lặn. Nhưng anh phải gắng gượng chịu đựng, gắng gượng nuốt nỗi bất hạnh vào lòng. Anh còn trách nhiệm phải chăm sóc cho mẹ già đang nằm một chỗ và người chị gái cũng vì khó khăn chồng chất của gia đình mà ngày một héo hon. Anh Thành xuất viện với bệnh án: tiểu đường typ 2, men gan tăng, đoạn chi bên phải, đang hỗ trợ điều trị để giữ lại chân trái...
Hiện tại anh Thành vẫn phải tái khám thường xuyên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì “mỗi lần đi thành phố, chi phí xe cộ tốn kém lắm”. Theo anh tính toán, hàng tháng tiền thuốc men của hai mẹ con hết 1,2 triệu đồng; tiền sữa trị loãng xương cho mẹ hết vài trăm ngàn, gạo ăn của ba mẹ con khoảng 15kg. Thức ăn thì cô em gái buôn bán ở chợ... tiếp tế cũng ổn. Ngoài ra còn nhiều chi phí điện, nước khác nữa. Cả nhà lại không có ai làm gì ra tiền. Anh Thành còn nói: “Mấy mẹ con tôi nhờ bà con, láng giềng cưu mang quá nhiều rồi. Nay tôi ước mình được tặng cái chân giả để... rảnh 2 cái tay đi làm mộc như xưa, lo cho mẹ và chị gái. Bởi tôi có cụt chân vẫn muốn là trụ cột của gia đình. Mong được mọi người giúp chúng tôi qua khỏi cơn bĩ cực này”...
Chia tay ba mẹ con anh Thành vừa nghèo vừa bị bệnh tật hành hạ, tôi cũng mong cho mơ ước của anh sớm thành hiện thực.
QUỲNH NHƯ

Lễ trao tặng kinh phí dự án hỗ trợ sinh kế và xe lăn, xe lẳc, học bổng cho NKT, TMC & BNN đợt II nãm 2012

Ngày 24/8/2012, tại hội trường công viên văn hóa Thanh Lễ TP Thủ Dầu một, Hội Bảo trợ Ngưởi khuyết tật, Trẻ mồ cỏi và Bệnh nhân nghèo (NKT, TMC & BNN) tỉnh Bình Dương đã tố chức lễ trao tặng kinh phí dự án hỗ trợ sinh kế và xe lăn, xe lẳc, học bổng cho NKT, TMC & BNN đợt II nãm 2012 cho 86 đối tượng trong tỉnh với tổng số tiền trên 333,6 triệu đồng.Trong đợt II này, các đối tượng thuộc 3 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới:  Long Nguyên (Bến Cát), An Long (Phú Giáo), Bình An (Dĩ An) được hỗ trợ thêm kinh phí chăn nuôi heo, bò, công trình vệ sinh...
Được biết, số kinh phí trên do Hội Bảo trợ NKT, TMC & BNN tỉnh vận động từ các nhà tài trợ:
- Đảng Ủy khối các cơ quan tỉnh                     :115,5 triệu đồng
- Công ty SX-XNK Bình Dương (3/2)           :  54,0     -nt-
- Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh               :  50,0     -nt-
- Công ty cổ phần ĐT & SX giày Thái Bình    :  36,0     -nt-
- Công ty cổ phần SX- XD Hưng Thịnh         :  26,3     -nt-
- Hội Bảo trợ  NKT, TMC Việt Nam             :  25,0     -nt-
- Trung tâm Nhân đạo Quê Hương                 :  32,5     -nt-
- Linh mục Lê Văn Khâm                               :  25,0    -nt-
- Các cơ sở sản xuất gạch Tân Uyên               :  18,0    -nt-
- Diện lực tỉnh Bình Dương                             :  20,0   -nt-


















Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Chuyện ở một gia đình có 3 người câm

Ở ấp 5, xã Tân An (TP.TDM) có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bơi hoàn cảnh rất ngặt nghèo cần được giúp đỡ. Bà Bơi tuổi già sức yếu, cộng thêm căn bệnh tim hành hạ. Đặc biệt, 3 trong số 9 người con của bà bị câm, điếc bẩm sinh hiện đang sinh sống với bà...
 
Bơi (bìa phải) và 2 trong số 3 người con bị câm, điếc
Trời kêu ai... nấy dạ!
 

Từ đường Huỳnh Thị Chấu, vòng vèo thêm vài lần rẽ trái, rẽ phải, chúng tôi đến nhà của bà Nguyễn Thị Bơi. Căn nhà 3 gian dù đã cũ kỹ nhưng vẫn còn khá tươm tất. Căn nhà này do cha mẹ bà Bơi để lại. Trước đây còn mạnh khỏe, vợ chồng bà tích cóp sửa sang lại mới được như ngày hôm nay. Nhà cửa coi như tạm ổn định, nhưng cuộc sống của những thành viên trong căn nhà ấy mới là điều đáng nói. Thấy có khách đến, bà Bơi cố ngồi dậy nói chuyện năm ba câu rồi lại tiếp tục nằm dài. Với dáng người gầy ốm, da dẻ xanh xao, sức sống gần như không hiện diện ở trong bà.  Hỏi thăm mới hay bà mắc các chứng bệnh tim mạch như: huyết áp, tiểu đường, tim. Đã vậy còn ăn uống thiếu thốn nên bà Bơi ngày càng xuống sức. Bà buồn rầu nói, hôm qua nhà hết tiền phải ăn mắm ruốc, vừa ăn xong bà thở lấy hơi lên, khiến các con một phen khiếp vía.
Bà Bơi có tất cả 9 người con. Hiện 5 người đã lập gia đình nhưng đều khó khăn nên cũng không giúp đỡ được gì cho mẹ. Hiện tại gia đình bà có 6 thành viên thì có 1 người bệnh, 3 người câm, chỉ còn mỗi cô út Nguyễn Ngọc Dung là lành lặn và trở thành trụ cột, lo kinh tế gia đình. Không muốn khơi gợi lại nỗi đau của người mẹ, nhưng chúng tôi buộc phải hỏi thăm về những người con bị câm của bà. Bà kể, bà sinh người con đầu bình thường như bao người khác. Đến khi sinh đứa con kế là Nguyễn Văn Quyết thì bị câm, điếc. Rồi sau đó đến người con thứ 6 là Nguyễn Thị Có và người con thứ 7 là Nguyễn Thị Gái Bảy cũng bị câm, điếc nốt. Nỗi đau của người mẹ như dâng trào. Đã bao đêm vợ chồng bà khóc hết nước mắt vì thương các con. Có thiệt thòi nào bằng khi các con của bà ngày càng lớn, mặt mũi cũng sáng láng, nhưng “vô cảm” với mọi người. Cũng vì bị câm, điếc, những người này không thể đi học như bao bạn bè khác. Cha mẹ nào khi sinh con ra cũng mong ước các con phát triển bình thường, để rồi được hưởng thụ những nhu cầu chính đáng như học tập, lao động... nhưng với 3 người câm trong gia đình ấy, bản thân họ không chỉ bị thiệt thòi mà còn trở thành gánh nặng cho cha mẹ.
 
Bếp núc lạnh tanh vì chiều nay nhà không còn thức ăn

Trong 3 người con, chỉ có anh Nguyễn Văn Quyết thỉnh thoảng được bà con thuê làm công, cuốc đất... còn 2 cô con gái chân yếu tay mềm lại bị tật nguyền nên không ai thuê mướn gì cả. Cứ 4 - 5 ngày, 2 chị ra sông hái rau mốp về bán, mỗi lần như vậy được trên dưới 50.000 đồng. Cuộc sống của cả gia đình nhờ vào tiền lương công nhân chưa đến 2 triệu đồng của cô con gái út Nguyễn Ngọc Dung. Cũng vì nghèo mà chị Gái Bảy bị bệnh bướu cổ, thường xuyên bị mệt, có lúc ngất xỉu, nhưng lấy tiền đâu đưa chị đi bệnh viện điều trị. Trong nhà thường xuyên đối mặt với cảnh chưa ăn bữa trưa đã lo đến bữa chiều. Chị Dung ngậm ngùi nói “chiều nay nhà không còn gì ăn, chắc là xào bắp cải ăn qua bữa. Có hôm nhà không còn gạo nấu phải ăn cháo sống lây lất qua ngày. Ăn xong cả nhà lên giường ngủ ngay, kẻo bụng lại đói. Chuyện mua thiếu, chịu ở quán cứ xảy ra thường xuyên. Bà con thương tình, biết mình thiếu dai nhưng vẫn vui vẻ bán”. Nghe Dung tâm sự mà lòng tôi nghe đau nhói. Ngày nay cuộc sống của người dân được nâng cao, nhưng trong xã hội vẫn còn những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, mà có tận mắt chứng kiến chúng tôi mới tin điều đó là sự thật. Còn với Dung, gánh nặng gia đình đã đè lên vai cô gần 15 năm nay và có lẽ còn tiếp tục theo cô nhiều năm nữa. Dung nay đã 36 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Bởi như lời cô nói: “Nếu em lập gia đình thì lấy ai lo cho mẹ, các anh chị bị câm điếc biết bấu víu vào đâu để mà sống”.
 
Ước mơ bình dị
Khi được hỏi, nếu cho một điều ước, sẽ ước mơ điều gì? Mẹ con bà Bơi nói ngay, nếu có vốn gia đình sẽ chăn nuôi thêm để cải thiện cuộc sống. Nếu gia đình có “đồng vô, đồng ra”, được ăn uống đầy đủ, chắc chắn bà Bơi sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Bà cho hay, trước đây khi còn khỏe mạnh, ngoài đi ghe, chở củi về TP.HCM bán, bà Bơi còn chăn nuôi thêm heo, gà. Hiện chuồng vẫn còn đó nhưng đành bỏ không.
 
Mỹ Duyên là niềm hy vọng duy nhất của gia đình 
Với phụ nữ, bị câm, điếc là một thiệt thòi lớn. Các cô không có tuổi xuân đẹp như những cô gái khác. Vậy mà 2 cô nào được yên. Cả 2 người con gái của bà Bơi đều bị kẻ xấu giở trò đồi bại, dẫn đến có con. Và cũng vì câm, điếc, Nguyễn Thị Có không thể dạy dỗ được con trai, dẫn đến hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội. Còn con của chị Gái Bảy là em Nguyễn Mỹ Duyên, hiện đang học lớp 7, dù nhà nghèo khó, em chỉ có duy nhất một bộ quần áo đi học do một người bà con cho từ năm học trước nhưng Duyên cố gắng học khá giỏi. Em là niềm hy vọng duy nhất của gia đình. Tuy gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng vẫn chấp nhận ăn cháo, rau để dành tiền mua sách, tập cho em chuẩn bị bước vào năm học mới. Duyên tâm sự: “Tập, sách thì có rồi, còn chiếc xe đạp cà tàng em đưa ra tiệm sửa đã gần tháng nay nhưng chưa thể đem về, vì không có tiền trả cho chủ. Ước gì bây giờ em có được 170.000 đồng...”.
Nguyễn Thị Lan, phụ trách công tác thương binh - xã hội xã Tân An cho biết, gia đình bà Bơi thuộc diện hộ cận nghèo. Hiện bà được hưởng trợ cấp hàng tháng 340.000 đồng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mới đây, Phòng LĐ-TB&XH TP.Thủ Dầu Một đã đến khảo sát gia đình và sẽ đưa chị Gái Bảy vào diện bảo trợ, được trợ cấp hàng tháng. 
HỒNG THÁI

Khát vọng sống!

Sức khỏe là tài sản vô giá của con người. Giàu nghèo có thể có người không màng tới nhưng có được sức khỏe tốt thì ai ai cũng ước ao. Với bà Nguyễn Thị Lắm, 67 tuổi, là một hộ nghèo ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, dù mang trong mình 2 căn bệnh hiểm nghèo: ung thư tử cung và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà. Dù giờ đây, sự sống của bà Lắm được tính bằng ngày nhưng bà vẫn còn nuôi hy vọng được sống, bởi cuộc sống này còn nhiều điều tươi đẹp mà con người được quyền hưởng thụ.
 
Sự sống của bà Lắm giờ đây chỉ được tính bằng ngày

Để gặp bà Lắm, chúng tôi phải đến phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong căn phòng ấy đều là bệnh nhân nặng, nhưng nhìn bà thảm nhất. Nhập viện chưa được 10 ngày mà trông bà gầy rộp, da dẻ xanh xao. Bà nằm gần như bất động. Từ khi vào bệnh viện đến nay bà Lắm đã được chạy thận cấp cứu 2 lần. Bà thều thào nói: “Bác sĩ gắn kim ở đùi để chạy thận, khi nào khỏe mới chuyển lên tay. Do sơ suất, tôi làm tuột kim ra, vài ngày nữa bác sĩ sẽ gắn lại. Mà nghe nói sẽ đau gấp mấy lần so với lần gắn đầu tiên. Dù đau mấy tôi cũng gắng chịu, miễn sao được chạy thận để kéo dài sự sống”.
Bà Lắm có 4 người con, chồng bà mất khi người con đầu mới được 10 tuổi. Một thân một mình vất vả nuôi con. Theo ngày tháng các con dần khôn lớn, chỉ tiếc là do nghèo, bà không có điều kiện cho con cái ăn học, nên giờ đây họ chỉ là những công nhân lao động bình thường, thu nhập không cao. Còn bà, dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày vẫn gánh sương sa bán theo xóm, kiếm cơm qua bữa.
Cách đây 2 năm, bà Lắm bị bệnh ung thư tử cung, phải điều trị ở TP.HCM. Dù có thẻ BHYT người nghèo, nhưng có những loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên chi phí điều trị khá tốn kém. Hiện tại cứ 3 tháng bà lại trở về TP.HCM tái khám. Khi bệnh đã được điều trị tạm ổn thì bác sĩ phát hiện bà mang thêm căn bệnh suy thận, cần điều trị tích cực. Bà có 4 người con nhưng ai cũng nghèo, không có khả năng giúp đỡ gì nhiều cho mẹ. Ngày đưa bà đi cấp cứu, dù không mấy khá giả nhưng các công nhân ở xưởng cưa nơi con bà làm việc hỗ trợ kẻ ít người nhiều, bà con lối xóm cũng gom góp chút ít giúp bà làm lộ phí trị bệnh. Trải qua 2 cơn bạo bệnh, giờ đây sức khỏe bà Lắm giảm sút rất nhiều. Chị Nguyễn Thanh Tuyền, con gái thứ hai của bà nhớ lại, trước khi nhập viện, bà Lắm hay bị đau bụng. Nhưng bà cứ nghĩ do đi tia trị ung thư nên đau bụng và đã bỏ qua triệu chứng này. Có hôm do đau bụng, tay chân bủn rủn, bà làm đổ cả gánh hàng, ngày đó coi như lỗ vốn. Cho đến khi bà đau bụng dữ dội mới nhập viện thì căn bệnh đã trầm trọng.
Suy thận là căn bệnh nhà giàu, vì chi phí điều trị tốn kém, nhưng lỡ mang căn bệnh này, càng làm cho gia đình bà Lắm thêm khánh kiệt. Mấy ngày nay, bà đã tạm ứng trước 3 triệu đồng viện phí, sắp tới có lẽ còn phải đóng thêm tiền. Bác sĩ Lý Văn Trãi cho hay: “Bà Lắm bị suy thận mãn giai đoạn cuối, không có khả năng hồi phục, cần thiết điều trị thay thế thận, chạy thận nhân tạo cũng là một cách điều trị căn bệnh của bà. Hiện nay do quá tải bệnh nhân điều trị chạy thận, những bệnh nhân có điều kiện kinh tế về TP.HCM điều trị. Còn bà Lắm, do nghèo khó đành bám trụ bệnh viện”.
Mang trong mình 2 căn bệnh: ung thư và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà Lắm. Bà vẫn mong muốn được chữa trị bệnh, sống thêm với con cháu được ngày nào hay ngày đó.
Hồng Thái

Mong có một phép màu!

Được sự giới thiệu, hướng dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm đến địa chỉ tổ 1, khu phố 8, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên để thăm gia đình bé Nguyễn Quốc An - một cháu bé chưa tròn 6 tuổi lại phải đang sống mòn mỏi, vật vã từng ngày vì căn bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu).
Bà ngoại phải luôn ở bên cạnh để chăm sóc cho bé An
Tiếp chúng tôi, bà ngoại cháu là bà Đoàn Thị Lùn cho biết, bà có một người con duy nhất là chị Trương Thị Minh Trang, gia cảnh vốn đã khó khăn nhưng cũng không đến nỗi. Đến khi chị Trang lập gia đình và sinh ra cháu Nguyễn Quốc An thì chuyện không may xảy đến, khi vừa sinh ra cháu An đã bị căn bệnh bạch cầu cấp bẩm sinh. Theo yêu cầu của bác sĩ, do bị bệnh này cháu An không được vận động nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó từ lúc còn bé cho đến nay đã gần 6 tuổi cháu An không được đến trường mà chỉ quanh quẩn ở nhà cùng bà ngoại, mẹ mình và các bạn gần nhà. Điều không may không chỉ dừng lại ở đó, khi cháu An vừa được 2 tuổi thì ba của cháu là anh Nguyễn Hữu Nghĩa qua đời vì tai nạn giao thông nên gia đình đã khó lại càng thêm khó...

Trước đây, bà Đoàn Thị Lùn còn đi làm thêm việc này, việc nọ để phụ giúp con gái và cháu ngoại, nhưng kể từ khi bệnh cháu An trở nặng thì bà đành phải nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc cháu, mọi gánh nặng mưu sinh đành đặt lên vai của con gái bà là chị Trang. Song với đồng lương công nhân eo hẹp phải nuôi cả gia đình 3 người, trong đó có một cháu bé đang bị căn bệnh nan y mà muốn chữa trị hoặc kéo dài sự sống là niềm mơ ước của cả nhà. Gia đình được bác sĩ cho biết bệnh của cháu An phải ghép tủy cháu mới có cơ hội bình phục hoàn toàn, nhưng nếu muốn ghép tủy phải chi phí trên 2 tỷ đồng... Trước khoản tiền quá lớn cả đời làm cũng không thể kiếm ra, mẹ con chị Trang chỉ biết than trời và rớt nước mắt vì mới chỉ lo cho chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cộng thêm tiền khám bệnh, tiền thuốc cho cháu An chị Trang đã kiệt sức, thường xuyên phải vay mượn bà con lối xóm, họ hàng lấy đâu ra tiền tỷ để trị bệnh cho con.
Được biết để duy trì sự sống cho cháu An, tùy theo tình hình sức khỏe của cháu cứ khoảng 3 tuần 1 lần, hoặc sớm hơn gia đình phải đưa cháu đi khám bệnh, mua thuốc uống với chi phí mỗi lần khoảng 1 triệu đồng, song cũng chưa biết lo nổi chi phí này cho cháu An được bao lâu nữa vì gia đình đã quá kiệt quệ. Trong khi đó, do bị bệnh ngặt nghèo cháu An thường xuyên khó thở và bị ngất nên trong lồng ngực phải đặt máy để kịp thời truyền máu trực tiếp qua tim khi cần thiết.
Hiện cháu Nguyễn Quốc An đang ở cùng bà ngoại và mẹ tại ngôi nhà tình nghĩa do địa phương cấp cho bà Đoàn Thị Lùn (bà Lùn là con liệt sĩ). Nhà cấp đã lâu, theo thời gian đã xuống cấp nhưng do gia đình quá khó khăn nên chưa có điều kiện tu sửa. Địa phương cũng đã quan tâm đưa gia đình vào diện chính sách và trợ cấp mỗi tháng 340.000 đồng; một số tổ chức cũng có đến hỗ trợ vài lần nhưng tất cả dồn vào chi phí khám, truyền máu, mua thuốc cho cháu An nên chỉ như muối bỏ bể. Còn chị Trang do phải thường xuyên nghỉ việc đột xuất để phụ mẹ mình chăm con nên lâu lâu lại bị đơn vị cho nghỉ việc, phải đi tìm việc nơi khác...
Nhìn cháu bé lanh lợi, có khuôn mặt thông minh nhưng da dẻ xanh xao, dáng vóc gầy còm ai cũng xót lòng. Mong sao có những phép màu để cháu bé bất hạnh này được điều trị bệnh, hoặc gia đình có thêm điều kiện để truyền máu, mua thuốc, bồi dưỡng để cháu Nguyễn Quốc An được kéo dài cuộc sống bên cạnh bà ngoại và mẹ của mình được ngày nào hay ngày ấy.
Mọi sự giúp đỡ cháu Nguyễn Quốc An xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ tổ 1, khu phố 8, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên.
BÌNH MINH

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Phẫu Thuật Đục Thủy Tinh Thể dợt 2/2012

Trong suốt ngày chủ nhật 5 tháng 8 năm 2012, đội ngũ y bác sĩ thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa mắt đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã thực hiện phẫu thuật mắt đợt 2 cho 87 người bệnh đục thủy tinh thể dành cho đối tượng người nghèo trên địa bàn tỉnh. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được phát thuốc uống và nhỏ mắt miễn phí trong 5 ngày.
Được biết, vào tháng 3 năm 2012.chương trình đã mổ mắt miễn phí đợt I cho 36 ca bệnh đục thủy tinh thể.
Chương tình sẽ phẫu thuật đợt 3 vào quý IV/2012.
Chương trình phẫu thuật mắt bị đục thủy tinh thể năm nay do Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tổ chức thực hiện với sự tài trợ toàn bộ kinh phí trên 120 tiệu đồng của gia đình BS. Châu Minh Nguyệt, cán bộ hưu trí ở thị xã Thuận An.

Tin trên Báo Bình Dương:

Mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho bệnh nhân nghèo

(BDO) Sáng nay (5-8), Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp cùng đoàn y, bác sĩ Khoa Mắt  BV Chợ Rẫy TP.HCM tổ chức phẫu thuật đục thủy tinh thể (ảnh) miễn phí cho gần 100 bệnh nhân nghèo trong tỉnh.
 
Kinh phí phẫu thuật lần này là 80 triệu đồng do Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi & Bệnh nhân nghèo tỉnh (Hội bảo trợ NKT,TMC&BNN) vận động bác sĩ Châu Minh Nguyệt (92 tuổi), là cán bộ nghỉ hưu, lão thành cách mạng ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, Bình Dương tài trợ.
Trước đó, bác sĩ Châu Minh Nguyệt cùng gia đình đã đến Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh ủng hộ 200 triệu đồng từ tiền phúng điếu (trong tang lễ của chồng cụ Nguyệt là ông Võ Văn Tiến) để giúp đỡ những người khuyết tật, bệnh nhân nghèo. Toàn bộ số tiền gia đình bác sĩ Nguyệt ủng hộ, hội cùng gia đình bác Nguyệt đã trực tiếp đi thăm và tặng cho các Trung tâm nuôi dưỡng người già, mồ côi và mổ đục thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo.
Văn Sơn

Sau đây là vài hình ảnh: