Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Thăm tặng quà Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Sáng ngày 27/9/2012, thường trực tỉnh Hội cùng với đoàn lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm và tặng quà trung thu năm 2012 cho 800 em có hoàn cảnh đặc biệt kho khăn đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại 11 cơ sở, trung tam bảo trợ xã hội của tỉnh với kinh phí 100 triệu đồng từ ngân sách, nhân dịp này  Hiệp Hội Thương Gia Đài Loan tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức tặng 950 phần quà trị giá 500 triệu đồng gồm gạo, nước tương, mỳ gói....và bánh trung thu cho trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật cua  tỉnh. 
Sáng nay (27-9), Đoàn lãnh đạo tỉnh đã thăm và tặng quà trung thu cho trẻ em mồ côi, khuyết tật tại Tỉnh hội Người mù, chùa Bồ Đề đạo tràng…
>> Xem chi tiết tại đây.

Mời xem thêm vài hình ảnh:











Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tiếp sức cho chàng trai tật nguyền

 
Bất chấp cơn đau hành hạ, hàng ngày Lê Văn Liệu (24 tuổi, quê ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn lê cái chân trái đau buốt trên các ngả đường ở khu vực huyện Tân Uyên, Bình Dương để bán vé số. Liệu nói mình phải cố gắng hơn nữa để kiếm tiền chữa chân và lo cho người mẹ tàn tật.
Tai nạn giao thông xảy đến khiến chàng lai Liệu giàu nghị lực và khát khao cống hiến đã trở thành tàn phế, vụ việc xảy ra đã cách đây 2 năm. Khi đó Liệu là Phó Bí thư Đoàn thôn Đông Đoài, xã Quảng Đông. Chập choạng tối, trên đường đi sinh hoạt về, khi cùng bạn băng qua đường, Liệu đã bị một chiếc ô tô va quẹt. Gây tai nạn xong chiếc xe này tiếp tục lao đi. Bạn Liệu đã báo cơ quan chức năng dừng xe lại. Tài xế đã say rượu. Vụ tai nạn hôm đó đã khiến Liệu gãy cả hai chân.
 
 Lê Văn Liệu mưu sinh hàng ngày và chống chọi với từng cơn đau do chân trái hành hạ
Liệu không có cha. Mẹ liệu, bà Lê Thị Lập cũng bị bệnh nan y liệt tay trái, dù vậy bà cũng cố gắng cho con trai đi học. Đến lớp 9 thì do kinh tế quá khó khăn, Liệu nghỉ học phụ giúp mẹ cày cấy trên một sào ruộng. Không còn đi học nữa, đêm đêm Liệu cùng các thanh niên, đoàn viên trong thôn tập hợp sinh hoạt rất xôm tụ. Và tai nạn đó đã khiến Liệu trở thành tàn phế suốt hơn 1 năm trời cũng như tiêu tốn nhiều tiền chữa chạy khiến kinh tế gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Nhìn mẹ phải thức khuya dậy sớm làm đủ thứ việc chỉ mong có tiền lo cho đứa con trai mà Liệu đau thắt lòng. Vì vậy, sau khi bác sĩ chỉ định vết thương tạm ổn, có thể đi lại được là Liệu lao vào làm việc bất kể khó nhọc mong bù đắp cho mẹ và thỏa nỗi khát khao được làm việc. Đến đêm, Liệu lại cùng các bạn đoàn viên, thanh niên trong thôn tổ chức sinh hoạt. Điều Liệu không nghĩ đến đã xảy ra, do làm việc nặng quá sức khiến cái chân trái của Liệu đã tái phát chấn thương. Do mang vác nhiều ngày nên hai đầu xương gãy không còn trụ thẳng được  mà bị cong lại, phù ra gây đau nhức.
Công việc ở thôn không đủ tiền mua thuốc, Liệu đánh liều vào Bình Dương tìm việc làm vừa đỡ đần được cho mẹ, vừa có tiền mua thuốc uống. Mẹ Liệu không nói gì, bà chỉ gạt nước mắt nhìn con bước lên xe cùng cây nạng gỗ mà không biết với bệnh tình này con trai sẽ làm gì để sống giữa chốn quê người. Nhưng bà hy vọng với nghị lực con trai sẽ tìm được việc làm.
Đầu năm 2012, Liệu đến ở trọ tại Bình Dương cùng một người bạn và bắt đầu tìm việc làm. Không ai dám nhận một thanh niên tật nguyền. Sau đó Liệu đến thuê phòng ở trọ tại ấp Tân Hóa, xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên và được bà chủ nhà trọ bảo lãnh với chủ đại lý vé số để Liệu được nhận vé số đi bán dạo. Hàng ngày, với cây nạng gỗ và cái chân trái luôn lên cơn đau hành hạ chàng trai này vẫn cố gắng đi bộ hàng chục cây số để bán vé số. Liệu nói có khi đau quá thì ghé tiệm thuốc tây mua viên thuốc giảm đau uống rồi đi bán tiếp. Liệu bảo, anh phải có gắng chấp nhận và cố quên cơn đau để kiếm tiền lo cho mẹ tật nguyền cũng như mua thuốc cho bản thân mình. Nhưng cái ước nguyện tưởng chừng đơn giản ấy đối với Liệu là không đơn giản khi mà hiện sức khỏe của Liệu đã có dấu hiệu xấu đi. Liệu cho biết cái chân trái đã cong nhiều, phù ra và càng ngày càng đau hơn trước, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm và không có khả năng hồi phục. Với thu nhập từ việc bán vé số dạo thì để có tiền ăn, đóng tiền phòng trọ để sống qua ngày và uống thuốc giảm đau là đã khó huống hồ chi tiền phẫu thuật. Hành trình vật lộn với cuộc mưu sinh tìm lại sức khỏe để phụng dưỡng mẹ già của chàng trai ấy rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của những tấm lòng nhân ái.  

Kiệt quệ vì con bệnh...

 
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh chị xây xong để lởm chởm chưa kịp tô quét gì. Trong nhà cũng không có vật dụng gì đáng giá. Chị Huệ buồn bã nhìn con: “Xây xong nhà mới phát hiện con bệnh chứ không cũng ở trong cái lều tạm để tiền lo chữa bệnh cho con. Giờ còn nợ mấy chục triệu đồng nữa nhưng không biết chạy đâu để trả”... 
Gia đình anh chị Đỗ Tấn Minh - Cao Thị Huệ ở ấp Phú Trung, xã Phú Chánh, Tân Uyên thuộc diện hộ nghèo. Anh làm bảo vệ lương tháng chưa tới 3 triệu đồng. Chị Huệ làm lao công thu nhập 90.000 đồng/ngày. Tuần nghỉ 2 ngày thứ bảy, chủ nhật nên chị đang liên hệ thêm một công ty khác đến dọn dẹp để tăng thu nhập. Tổng cộng anh chị có trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này để lo chuyện ăn uống cho một gia đình 4 miệng ăn đã khó huống gì chăm sóc người bệnh. Thế mà 2 đứa con của họ đều bị bệnh thận. Thằng anh đã chạy thận nhân tạo hơn 2 năm nay. Đứa em cũng bị thận, chưa đến nỗi chạy thận nhân tạo nhưng phải uống thuốc thường xuyên. Nỗi lo hằn lên ánh mắt hai vợ chồng anh chị khi kể về hoàn cảnh quá ngặt nghèo của mình.

Con đầu chị Huệ là Đỗ Tấn Cần, năm nay 17 tuổi nhưng nhìn như một đứa trẻ dưới 10 tuổi. Em ho hen, xanh xao và bị chóng mặt, ngất bất cứ lúc nào vì bệnh thận, vì tụt huyết áp. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi biết số tuổi của em, chị Huệ đưa giấy tờ, hộ khẩu cho tôi coi. Chị kể mà rưng rưng nước mắt: “Nó đi học bình thường. Học đến lớp 6 thì một lần tôi phát hoảng khi thấy con đi tiểu ra máu. Đưa lên Bệnh viện Nhi đồng I nằm điều trị thời gian bác sĩ cho chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng II. Nhưng nghe phải có số tiền 20 triệu đồng mới được điều trị, vợ chồng tôi đành đem con về vì không có tiền. Thằng bé cứ bệnh riết nên chúng tôi cho nó uống thuốc nam. Bệnh trở nặng nên đến cuối năm 2009, tôi đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hơn 2 năm nay cháu phải chạy thận 3 ngày/tuần. Trước đây, chưa có thẻ bảo hiểm còn tốn kém nữa. Mới đây cháu có bảo hiểm cho người nghèo nên đỡ hơn. Tuy nhiên để có tiền thuốc, tiền lo cho cả nhà ăn uống hàng ngày chúng tôi phải luôn chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi”...
 
 Để lo cho 2 con chữa bệnh, anh chị Minh tuy đi làm nhưng vẫn lo con có mệnh hệ gì

Anh Minh nghẹn ngào nói thêm rằng, đi làm vậy chứ không yên chút nào. Anh luôn nơm nớp lo sợ ở nhà con có chuyện gì. Bác sĩ lại bảo vợ chồng anh chị... chuẩn bị tinh thần làm anh càng lo lắng và thương con nhiều hơn. Anh cứ sợ nó “bỏ ba mẹ mà đi” bất cứ lúc nào. Thằng bé cứ vào ra dật dờ như cái bóng trong nhà. Đến hẹn chạy thận, mẹ nó phải chở con đến bệnh viện, để đó về đi làm, 4 tiếng đồng hồ sau quay lại đón. Có lẽ, không ai nghe mà không khỏi chạnh lòng khi anh chị ấy nói: “Sau mỗi đợt chạy thận, bác sĩ nói về bồi dưỡng cho con nhưng tiền đâu mà bồi dưỡng. Tiền đâu mà mua trái cây, mua thịt cho anh em nó ăn thường được?”. Bệnh án của Cần ghi: suy thận mạn tính thời kỳ cuối, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng II từ tháng 6-2010, chạy thận nhân tạo định kỳ...  

Bà con ở ấp Phú Trung cho biết, với tình cảnh của vợ chồng họ thì “từ nghèo đến quá nghèo” chứ không thể thoát nghèo được khi con cái bệnh tật như thế. Dù có bảo hiểm người nghèo nhưng thu nhập thấp lại phải tốn tiền triệu cho con lớn chữa bệnh, mua thuốc cho thằng con nhỏ là cả một gánh nặng đối với gia đình này. Chị Nguyễn Thị Tô, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Chánh nói: “Chị Huệ là hội viên Hội Phụ nữ. Anh Minh là bộ đội chiến trường Campuchia phục viên nên sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh. Đoàn thể, chính quyền xã cũng quan tâm giúp đỡ nhưng trường hợp này quả là quá khó khăn. Trước, Hội Cựu chiến binh có vận động vài triệu đồng ủng hộ anh Minh. Hội Phụ nữ cũng chỉ biết tặng sách vở, quà cho đứa nhỏ đi học”... 

Hiện, 2 anh em Cần và Phúc được nhận trợ cấp 680.000 đồng/tháng nhưng vẫn là “muối bỏ bể” khi phải đối mặt với căn bệnh nan y. Và, những người nghèo khó, bệnh tật này rất cần sự cưu mang của xã hội. Mong bạn đọc hảo tâm hãy đến địa chỉ này. Đến ấp Phú Trung gần chợ Phú Chánh A, hỏi nhà chị Huệ có 2 con trai bị bệnh thận bà con sẽ chỉ đường cho bạn. Bởi, một khi, chia sẻ dù ít nhiều cho 2 anh em có chút tiền chữa bệnh, cho bữa ăn của em có chút thịt, cho em được ăn trái cây... chắc chắn, lòng bạn sẽ thấy vui.

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Lớp Tập huấn Nghiệp vụ Cán bộ Hội năm 2012


Thực hiện kế hoạch công tác Hội năm 2012, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, sáng ngày 20/09/2012 Thường trực tỉnh Hội Bình Dương tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội năm 2012 tại văn phòng Liên Đoàn Lao động tỉnh cho 20 cán bộ lãnh đạo Hội huyện, thị và thành hội với các nội dung:

1. Hướng dẫn việc thực hiện thông tin hai chiều và báo cáo hoạt động các cấp Hội thông qua thư điện tử.

2. Trao đổi nghiệp vụ về hoạt động của Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, gồm các nội dung:
Mục đích, tính chất, vai trò, vị trí, phạm vi hoạt động của Hội.
Chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Tổ chức và nguyên tắc hoạt động Hội.
Nội dung, phương châm, phương pháp hoạt động của Hội.

3. Quản lý đối tượng bảo trợ: gồm . 
Khảo sát, phân loại đối tượng tại cộng đồng; 
Quản lý đối tượng được bảo trợ; 
Kiện toàn tổ chức, Phát triển Hội viên.

T.T.T.Bình

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Mơ ước về một ngày mai tươi sáng

 
Đầu năm học 2012-2013, Báo Bình Dương nhận được đơn “kêu cứu” của chị Lê Thị Bích Thủy nhờ báo hỗ trợ để chị trang trải học phí cho con là Lê Tuấn Anh, đang học lớp 10, trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, kẻo con đường học tập của cháu bị lỡ dở.


Lần theo địa chỉ số nhà 20/13, ấp 2, xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi tìm đến nhà chị Thủy trong một buổi chiều mưa rả rích. Chị Thủy đang đi làm công ở một vựa ve chai gần đó đến tối mịt mới về; cháu Tuấn Anh cũng đang học ở trường. Trong khi chờ đợi 2 nhân vật quan trọng, bà Nguyễn Thị Liên Pha, bà ngoại của Tuấn Anh bùi ngùi kể lại đoạn trường cuộc đời của con cháu mình. Chị Thủy bị chồng phụ bạc khi 2 con chưa bước qua tuổi mẫu giáo. Bơ vơ giữa đời, chị về sống với mẹ cho đến nay. Khi còn khỏe, bà Pha đi cắt lể kiếm tiền, phụ con gái nuôi 2 con. Nhưng nhiều năm nay do tuổi già, sức yếu bà không còn đi làm được nữa. Mấy tháng trước bà bị té gãy chân khiến cho gia đình càng khó khăn chồng chất. Còn chị Thủy, tài sản, vốn liếng không có, ngày ngày chị đi làm thuê ở một vựa ve chai kiếm tiền để nuôi 2 con ăn học. Hiện đứa con trai lớn đã đi làm nhưng cũng chỉ đủ lo cho bản thân. Hoàn cảnh gia đình chị Thủy hiện nay khá bi đát, với mức thu nhập chưa đến 60.000 đồng/ngày mà phải lo cho 3 người: 1 người già 73 tuổi, 1 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và bản thân chị, điều này quả là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Bữa cơm gia đình thường xuyên chỉ có độc một món rau xào hoặc canh, họa hoằn mới có thêm được món mặn. Ăn uống kham khổ nhưng phải làm việc quần quật, khiến cho chị Thủy ngày càng gầy mòn. Buổi sáng, chị chỉ dám ăn 5.000 đồng bánh ướt, trưa ăn cơm nguội hoặc 3.000 đồng xôi cầm hơi. Đến chiều về nhà nhìn dáng chị đi liêu xiêu, người thì nhếch nhác bởi cả ngày “vật lộn” với mớ ve chai dơ bẩn. Quả thật, cuộc đời của người phụ nữ này sao chịu quá nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Sống trong sự thiếu thốn đến cùng cực, vậy mà chị vẫn chống chọi với đời để sống. Có lẽ nghị lực lớn nhất giúp chị vượt qua mọi khổ đau mà cuộc đời trớ trêu bắt chị phải đeo mang chính là Tuấn Anh, niềm hy vọng lớn nhất của chị.
 
Đại diện Báo Bình Dương trao tặng em Tuấn Anh 1 triệu đồng, giúp em trang trải phần nào chi phí học tập trong năm học mới 
Với Tuấn Anh, dù điều kiện học tập thua sút bạn bè, nhưng hàng năm em luôn là học sinh tiên tiến, được nhà trường khen thưởng hàng năm, năm học lớp 7 em còn được trường THCS Tương Bình Hiệp chọn đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp thị xã. Nhắc đến Tuấn Anh cũng có nhiều nỗi niềm đáng để tâm sự lắm. Năm em học cấp II, do nhà quá nghèo, vì mặc cảm Tuấn Anh đã nghỉ học. 1 năm là quãng thời gian quá đủ để cậu bé suy nghĩ để vượt qua nghèo khó chỉ có con đường học vấn và em quyết tâm đi học trở lại. Bởi em suy nghĩ, nghèo không phải là cái tội, nếu không biết vươn lên để vượt qua số phận mới là kẻ hèn.
Năm nay, Tuấn Anh lên lớp 10, các khoản phí đầu năm cũng nhiều hơn. Trong mấy tháng hè em đi vẽ ở các cơ sở sơn mài, dành dụm được chút ít chỉ đủ mua sách vở, cặp, dụng cụ học tập. Vừa rồi để có trên 800.000 đồng cho em đóng tiền đầu năm, mẹ em đã phải chạy vạy vay mượn đủ chỗ mới có được. Rồi đây, chị Thủy cũng không biết tìm đâu ra để trả nợ, bởi lo cái ăn hàng ngày đã hụt hơi rồi. Khi được hỏi vì sao làm ở vựa ve chai cực, ô nhiễm mà tiền công thấp, sao không tìm việc khác làm? Chị Thủy buồn rầu nói: “Biết là vậy, nhưng nghỉ rồi biết làm gì, vì chị nay đã 53 tuổi, đâu ai thuê mướn, còn làm ở xí nghiệp thì cũng không ai nhận cả. Thôi thì, cố bấu víu mà làm tới đâu hay tới đó”. Bà Liên Pha, mẹ chị kể, có đêm thấy con nằm gác tay lên trán rồi bất chợt thốt lên: phải chi bây giờ trúng số! Dù biết rằng điều ước ấy thật khó xảy ra, bởi tiền không có ăn lấy đâu mà mua vé số, nhưng chị vẫn mơ ước về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với gia đình chị.                  

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Hãy mang sự sống đến cho một gia đình đầy nghị lực

Thông thường, trong các loại bệnh, bệnh liên quan đến máu đều là những bệnh ngặt nghèo và nguy hiểm. Một gia đình có người mắc bệnh này đã là nỗi bất hạnh chứ đừng nói đến nhiều người. Thế nhưng có những gia đình vẫn đang phải đối mặt với thực tế đau lòng đó...

Gia đình của anh Huỳnh Tấn Dũng ngụ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên có đến 3 người bị mắc bệnh thalassemia dạng A (còn gọi là alpha-thalassemia, dạng nặng nhất của bệnh thalassemia, những người mắc bệnh này thường bị thiếu máu kinh niên do hồng cầu bị vỡ sớm hơn và làm tủy xương phải làm việc quá sức, trong một số trường hợp bệnh rất trầm trọng và không sống được lâu).
Tiếp chúng tôi ngay từ cửa vào, anh Dũng dù cố niềm nở nhưng vẫn không giấu được vẻ xanh xao, tiều tụy bởi căn bệnh đang hành hạ. Anh cho biết, trước đây anh khỏe mạnh và to con lắm, nhưng từ khi đổ bệnh đến giờ đã sụt đến hơn 20kg, giờ chỉ còn hơn 45kg mà thôi. Cách đây mấy bữa anh vẫn còn nằm liệt giường, chỉ mới khỏe lên vài hôm nay và cũng vừa đi bệnh viện về. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng tiếp lời chồng: Sau 12 năm lấy nhau, chúng tôi có 2 con. Cháu lớn là Huỳnh Thanh Thảo Trúc, SN 2002, còn cháu nhỏ là Huỳnh Tấn Trường, SN 2010. Và cả hai cháu cũng đều kém may mắn như cha khi cùng mắc căn bệnh thalassemia quái ác. Theo các bác sĩ chẩn đoán, cũng giống như cha, bệnh tình của bé Trường đang ngày một nặng hơn và nếu có được chữa trị thì cũng rất khó có khả năng dứt bệnh, bởi tỷ lệ chỉ là 1/1.000.
 
Do bệnh tật, anh Dũng ngày càng hạn chế công việc may đồ

Nhìn 3 cha con anh xanh xao, héo hon như tàu lá mới cảm nhận được sự tàn phá sức khỏe của căn bệnh lên con người. Buồn rười rượi, bé Thảo Trúc nói: Con là người bệnh nhẹ nhất nhà, chỉ phải uống thuốc thôi nhưng sao lúc nào con cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Những lúc muốn giúp mẹ làm việc nhà hay vui chơi cùng bạn bè mà không được, con buồn lắm.
Hiện tại, do bé Thảo bệnh nhẹ nên chỉ phải uống thuốc, còn lại anh và bé Trường phải truyền máu, uống thuốc và tái khám thường xuyên để theo dõi sát sao bệnh tình, đề phòng tình huống trở nặng bất ngờ. Chi phí dành cho việc tái khám truyền máu và mua thuốc rất tốn kém. Cứ 3 tháng một lần, hai cha con anh lại phải đi đến bệnh viện để truyền máu và mua thuốc, tính riêng mỗi người đã mất gần 2 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc anh và bé Trường vẫn thường xuyên bệnh đau trong quãng thời gian giữa kỳ tái khám.
Khó khăn chồng chất khó khăn với gia đình anh chị, bởi hiện tại cả hai đều không có công việc thật sự ổn định. Ngày trước, bằng nghề may tại nhà anh có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, nhưng kể từ khi đổ bệnh anh đành phải trông cậy tất cả vào vợ, bởi thời gian nằm viện của mình còn nhiều hơn ở nhà. Trong khi đó, vì để có thời gian chăm sóc chồng con, chị Thanh Hồng buộc phải nghỉ làm công nhân và xin làm việc bán thời gian ở chợ gần nhà, ky cóp cả tháng với các công việc chị cũng chỉ dành được khoảng 3 triệu đồng, cộng với khoản trợ cấp 340.000 đồng hàng tháng của thị trấn Uyên Hưng, vẫn là một số tiền quá ít ỏi so với thực tế mà gia đình chị cần lúc này. Mấy tháng trước còn ở nhà trọ, nhưng do chi phí phát sinh quá cao, vợ chồng anh chị buộc phải dọn về nhà ngoại để ở tạm cùng tìm sự cưu mang của ông bà. Tuy nhiên, do ông bà ngoại tuổi cũng đã cao nên khả năng giúp đỡ cũng chỉ có hạn mà thôi. Bây giờ bao nhiêu gánh nặng gia đình đang dồn hết lên vai của người vợ.
Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của chị sự lạc quan và một niềm tin mãnh liệt, có lẽ đây là động lực để giúp chị và gia đình đứng vững trước những khó khăn hiện tại. “Vẫn biết căn bệnh của gia đình tôi là rất khó chữa trị, chi phí lại rất cao, nhưng dù có trải qua bao nhiêu khó khăn đi nữa tôi cũng sẽ luôn cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa bệnh cho chồng con. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là thấy họ được sống khỏe mạnh...”, chị Thanh Hồng tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Huỳnh Tấn Dũng xin liên hệ các số điện thoại của chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” trên báo Bình Dương; hoặc liên hệ trực tiếp qua địa chỉ 137A tổ 5, khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên.


Cụ già neo đơn cần được giúp đỡ


Bà Trần Thị Xê (79 tuổi), ngụ tại số nhà 65, ấp An Quế, xã An Sơn (TX.Thuận An), không có chồng, con, người thân phải sống côi cút trong căn nhà tình thương cũ kỹ. Với mong ước có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nhưng ước mơ đó gần như quá sức với bà khi tuổi đã xế chiều, không còn sức lao động.

Được sự giới thiệu của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Vì cộng đồng (Bình Dương), chúng tôi đã đến thăm bà Ba Thài (tên thường gọi của bà Xê). Trước vườn cây ăn trái xanh ngát, căn nhà bà Ba hiện lên lẻ loi như chính cuộc đời bà đã và đang sống. Hơn 20 năm nay, căn nhà này đã lưu giữ lại trong bà bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn. Bên trong căn nhà nhỏ của bà không có tài sản gì đáng giá, ngoài 2 chiếc giường ọp ẹp và chiếc bàn thờ. Theo tìm hiểu của người viết, trước đây khu đất rộng xung quanh nhà là của gia đình bà, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, cần tiền chạy chữa thuốc thang cho ba mẹ, bà đã bán cho người khác. Thấy hoàn cảnh bà đơn thân, chủ đất đã cho bà mượn một khoảng đất trống để cất nhà.
Kể về cuộc đời của mình, bà Xê rươm rướm nước mắt: Bà lập gia đình năm 20 tuổi, sống chung một năm thì ly dị. Bà không đi bước nữa mà sống cùng ba mẹ cho đến khi họ qua đời. Không có người thân để nương tựa, ban ngày bà đi bán nhang, đêm đến trở về với căn nhà tối om, hiu quạnh. Những tưởng đến già bà sẽ có cuộc sống yên bình, thế nhưng năm 2010, trên đường đi bán nhang bà bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn đưa bà đến bệnh viện và biệt tăm với lời nhắn gửi bà 500.000 đồng. Sau tai nạn, đôi chân bà không thể đi lại được. Bà phải sống cuộc sống tật nguyền.
Niềm hạnh phúc của bà là được trò chuyện cùng ai đó
Suốt 2 năm, không thể rời khỏi chiếc giường, mọi sinh hoạt của bà đều nhờ mọi người xung quanh. Biết được hoàn cảnh của bà, nhiều người thỉnh thoảng lại cho bát cơm, củ khoai, hỗ trợ bà lúc khốn khó. Thương cảm trước hoàn cảnh của bà, các bạn trẻ trong CLB Vì cộng đồng đã góp sức đến thăm, bắt cho bà bóng điện để căn phòng đỡ lạnh lẽo, cô đơn. Riêng căn nhà bà đang sống cũng do UBND xã An Sơn xây tặng. Hiện nay, tuy được nhận trợ cấp hàng tháng, nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tiền thuốc, tiền ăn. Bởi vậy bà rất mong được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân để bà có thể sống vui những ngày tháng còn lại. Bà Ba ao ước “cuộc sống đơn thân, tôi chỉ mong rằng khi nhắm mắt, xuôi tay có người lo mai táng. Đặc biệt, hãy cho tôi được yên nghỉ dưới mảnh đất đã từng chôn nhau cắt rốn này”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn Bùi Ngọc Vy, cho biết: Bà Xê thuộc dạng nghèo nhất ở địa phương, không nhà, không đất, không nghề... Trước hoàn cảnh của bà, UBND đã xây tặng bà căn nhà tình thương, bên cạnh đó những dịp lễ, tết đều đến thăm, tặng quà cho bà. Tuy nhiên, do địa phương còn nhiều hộ khó khăn nên không thể giúp bà thường xuyên. Rất cần những tấm lòng chia sẻ, hỗ trợ bà cụ neo đơn đáng thương này.

 
Bạn đọc ủng hộ cho “Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo”
Vừa qua, Tòa soạn có nhận số tiền 1.500.000 đồng của anh Nguyễn Quốc Bửu (ủng hộ 1.000.000 đồng) và anh Đoàn Thanh Hải (ủng hộ 500.000 đồng), cùng ngụ ở TP.TDM, ủng hộ giúp đỡ cho hoàn cảnh của cụ bà Lại Thị Phơi, ngụ tại tổ 2, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo (Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo, đăng số báo ngày 22-8-2012). Cụ Phơi nay đã 71 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi lượm mủ đất để bán lấy tiền nuôi người con trai hơn 40 tuổi bị mù và mắc bệnh tiểu đường.
Thay mặt gia đình, Tòa soạn xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của anh Bửu và anh Hải, chúng tôi sẽ chuyển số tiền của các anh đến cụ Phơi.
Tòa soạn rất mong tiếp tục đón nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân và các bạn đọc gần xa cho trường hợp nêu trên. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo Bình Dương số 543 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TX.TDM hoặc gọi đến số: 0650.3827912 - 0913.649330.
XUÂN LẠC

Mong có tiền mổ tim để làm việc phụ giúp vợ con


(BDO)
Cầm tờ giấy báo chi phí mổ tim trên 70,5 triệu đồng, vợ chồng anh Hồ Thanh Dũng - chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo bủn rủn cả tay chân. Số tiền lớn như thế này, anh chị lấy đâu ra khi cái ăn hàng ngày còn thiếu thốn. Trong khi đó, ngày hạn cuối mổ tim cho anh đã đến gần…

Ngày 24-4-2012, anh Dũng quyết định đón xe lên Viện tim TP.HCM khám để xem sức khỏe, bệnh tình diễn biến thế nào mà “dạo này cứ ngất lên xỉu xuống hoài”. Biết mình có bệnh trong người từ trước nhưng vì nhà nghèo nên anh Dũng và vợ chưa dám nghĩ việc đi mổ tim. Thế nên, khi bác sĩ báo với anh chị về chuẩn bị kinh phí để mổ tim cho anh thì hai vợ chồng hết sức lo lắng. Hơn 70,5 triệu đồng chi phí mổ tim đối với anh chị quả là quá lớn, ngoài khả năng. Trong khi đó, bác sĩ cho biết, với tình trạng sức khỏe của anh như vậy thì phải nhập viện để mổ tim trong vòng 6 tháng sau khi nhận giấy báo, nếu không sức khỏe sẽ khó lường trước. Đến nay, đã gần thời hạn 6 tháng nhưng anh chị vẫn chưa dành dụm được đồng nào. Anh Dũng bộc bạch: “Bác sĩ khám bảo tôi phải mổ tim mới mong khỏe lại. Nhưng mấy năm nay tôi có đi làm được gì đâu, chỉ có mình vợ tôi đi cạo mủ thuê thì chỉ đủ ăn cho cả nhà, lấy đâu ra số tiền lớn như thế cho tôi làm phẫu thuật…”

Từ nhỏ, anh Dũng đã bị bệnh hở van tim nhưng ba mẹ cũng nghèo khó nên anh phải sống chung với bệnh từ đó đến nay. Sau khi lấy vợ, vợ chồng đều đi cạo mủ cao su thuê cho người ta, rồi 2 đứa con lần lượt ra đời nên chi phí sinh hoạt cho cả nhà càng tăng lên. Biết rằng, nếu không chữa trị thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng thêm, nhưng cái ăn hàng ngày còn phải chạy bữa thì lấy đâu ra kinh phí cho anh nhập viện. Anh Dũng cho biết: “Nhiều hôm đang đi cạo mủ tôi ngất giữa chừng. Ngất hoài như thế nên chủ không thuê nữa”. 2 năm trở lại đây, bệnh trở nặng nên anh không còn phụ giúp cho vợ được gì. Chị Phượng cho biết, hồi trước, 2 vợ chồng đi cạo mủ một ngày kiếm hơn 200 ngàn đồng. Nhưng khi anh bệnh nặng, chỉ mình chị đi cạo nên tiền thu nhập cũng ít đi một nữa. Mọi chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào việc cạo mủ thuê của chị. Ngoài cái ăn hàng ngày còn phải lo tiền thuốc thang cho anh, tiền mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho đứa con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mới mổ cách nay khoảng một năm, rồi tiền đi học cho đứa con đầu. Chỉ tính riêng tiền thuốc cho anh hàng tháng đã ngốn hết 2,5-3 triệu đồng. Chị Phượng nói: “Ba mẹ, anh chị em 2 bên đều nghèo nên cũng không phụ giúp được gì. Bà nội hiện cũng bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Còn ông bà ngoại trên dưới 60 tuổi nhưng còn đi làm mướn. Vậy nhưng, lâu lâu thấy 2 đứa con tôi tội nghiệp cũng cho thêm tiền mua sữa bồi dưỡng cho cháu nhỏ, cho tiền để tôi đóng tiền nhập học cho bé…”

Để có tiền lo cho chồng con, 11-12 giờ đêm chị Phượng đã phải lục đục dậy để chuẩn bị đồ đạc đi cạo mủ. Chị tâm sự: “Người ta 2-3 giờ sáng mới đi cạo. Còn tôi phải đi sớm hơn mới cạo đủ năng suất để có tiền lo cho cả gia đình. Có đêm tôi chưa kịp ngủ đã phải trở dậy đi làm. Từ ngày bệnh trở nặng, anh Dũng rất khó ngủ. Có đêm anh chỉ ngủ được 1 tiếng đồng hồ, rồi dậy đi đi lại lại ngoài sân. Anh nói nằm khó thở nên dậy đi lại cho dễ thở. Mỗi lần như thế tôi cũng không ngủ được”. Đi cạo về tận nhà thì trời cũng đã sáng. Chị lại quay ra lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi đưa con đi học… “Người ta có điều kiện cho con học bán trú, còn tôi trưa phải đi rước con về. Tiền đó để phụ thêm lo thuốc cho chồng hàng tháng…”, vừa nói chị Phượng vừa đưa tay lên quệt hai dòng nước mắt.
Nhìn vợ vì mình, vì con mà phải làm lụng cực khổ như thế anh rất thương vợ. “Đáng lẽ mình phải làm chỗ dựa cho vợ con, nhưng vì bệnh tật nên nhiều năm qua vợ mình lại trở thành chỗ dựa cho tôi. Là chồng, nhiều khi nghĩ đến chuyện đó mình cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Sức khỏe của tôi giờ không làm được việc gì giúp vợ con cả. Tôi chỉ mong sao có tiền để mổ tim. Có như vậy, mới mong khỏe lại để đi làm việc kiếm tiền lo cho vợ con…”, giọng anh Dũng chùng xuống khi nói về mình. Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ anh Dũng có đủ kinh phí mổ tim để anh sớm thực hiện được mong ước “là người đàn ông trụ cột chính” của gia đình nhỏ ấy.                                                                                                   Hồng Thuận

Mâm bánh cam nuôi con bệnh, cháu thơ

Người ta thường gọi bà là dì bánh cam chứ ít ai biết tên thật của bà. Hàng ngày với chiếc xe đạp cà tàng, bà vẫn lọc cọc trên những tuyến đường của TP.Thủ Dầu Một kiếm từng đồng để nuôi người con gái bị bệnh và những đứa cháu còn quá thơ ngây.
 

Tai họa ập xuống
Bà Nguyễn Thị Kim Anh quê gốc ở Sóc Trăng. Ở quê do không có vốn và đất, bà phải làm nghề chặt lá dừa nước thuê. Công việc khó nhọc nhưng cũng không đủ ăn, đủ mặc dù bà đã lao động cật lực. Chồng bà mất cách nay đã 20 năm. Một mình bà phải tự bươn chải để chăm lo cho những đứa con còn thơ dại. Cách đây 2 năm, bà theo người con gái lên Bình Dương làm nghề bán bánh cam. Tuổi già không còn đủ sức làm những công việc nặng nhọc nên bà chọn làm nghề bán bánh cam. Hàng ngày, bà phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nặn bột, chiên bánh đem bán. Từ sáng sớm, bà phải lọc cọc trên chiếc xe đạp rong ruổi trên các tuyến đường đến bán bánh tại các tiệm internet. Buổi trưa bà chỉ dám về phòng trọ nghỉ ngơi chút ít rồi lại tiếp tục công việc của mình. Bà nói, bà không biết trong một ngày đi được bao nhiêu cây số nhưng khi thấy mỏi chân thì ngồi lại nghỉ rồi lại tiếp tục đi tiếp. Bà chỉ nghỉ bán khi trời mưa quá lớn. Mỗi cái bánh bà bán 2.000 đồng, mỗi ngày dù cố gắng hết sức bà cũng chỉ có thể kiếm được vài chục ngàn đồng. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua nhưng không ngờ cách đây hơn 2 tháng tai họa lại ấp xuống gia đình của bà khi con gái của bà, chị Nguyễn Thị Kim Giang bất ngờ bị đột quỵ gây liệt nửa người. Chị Giang có 3 người con, làm nghề bán bánh và khoai lang tại đầu chợ Phú Hòa. Chồng chị đã bỏ bốn mẹ con chị cách đây 4 năm. Chị cũng phải một mình nuôi 3 đứa con nhỏ. Công việc bán bánh, bán khoai không được bao nhiêu tiền, các con của chị lại đang ở độ tuổi ăn tuổi chơi, gánh nặng với một người phụ nữ như chị là quá lớn. Những đứa con của chị cũng phải lần lượt nghỉ học do chị không đủ sức lo cho chúng. Do làm việc quá sức mà chị bị đột quỵ. Từ khi con gái bị đột quỵ, bao nhiêu gánh nặng lại chuyển qua hết cho bà. Bao nhiêu chi phí chăm lo cho con gái bệnh, tiền ăn cho các cháu lại đổ lên đôi vai của bà. Giờ đây đôi vai gầy guộc của bà lại càng trở nên còm cõi hơn với bao nhiêu gánh nặng đè lên.
 
Bà Anh mong con mau lành bệnh để chăm lo cho đàn con của mình

Ước mơ giản dị
Từ khi chị Giang bị đột quỵ, cả gia đình của chị lại chuyển vào ăn ngủ tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương do phòng trọ bị người ta thu lại vì chị không đủ tiền để đóng tiền thuê phòng. Đứa con lớn của chị Giang thì đã đi làm công nhân nhưng cũng chỉ phụ giúp cho chị được chút ít, chứ không dư dả gì. Hai đứa con còn lại của chị Giang vẫn hồn nhiên vui đùa trong khi mẹ nó vẫn còn nằm trên giường bệnh. Chúng còn quá thơ dại để có thể biết được tình cảnh của mẹ nó bấy giờ. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Giang đã rơi nước mắt. Chị không ngờ rằng mình lại rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như bây giờ. Giờ đây mỗi trưa bà Anh lại gửi nhờ mâm bánh cam tại các tiệm internet để tranh thủ mang cơm vào cho con, cho cháu rồi lại tất tả đi bán bánh. Những đứa con khác của bà thì cũng đã có gia đình riêng và cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn vì vậy mà cũng không phụ giúp được gì cho chị Giang. Rưng rưng nước mắt bà cho biết, số tiền dành dụm lâu nay tôi cũng đã dùng hết vào việc điều trị bệnh cho con. Giờ đây tôi cũng đã phải vay mượn hơn 10 triệu đồng để có tiền lo cho con, cháu. Muốn làm nhiều bánh hơn để có thêm tiền lo cho con nhưng làm nhiều thì lại bán ế. Giờ đây tôi sức cũng đã yếu, lại bị đau khớp, cao huyết áp, không biết còn trụ được bao lâu nữa. Còn chị Giang thì buồn rầu nói, lúc trước khi mới bị tôi đã bất tỉnh trong thời gian dài, giờ thì đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể ngồi dậy được, đầu óc thì lúc nhớ lúc không. Tôi mong sao mình có thể đứng dậy và đi lại được để có thể tiếp tục bán bánh để nuôi con. Chia tay bà, tôi vẫn còn ấn tượng mãi với câu nói của bà. Bà nói giờ đây bà đã cảm thấy “đuối” quá rồi. Chỉ mong sao con gái mau lành bệnh để chăm lo cho con của nó. Bà nói mấy ngày nay bánh của bà lại bán ế, lại phải đi vay mượn để lo cho con, cho cháu.

Hãy giúp em Tiến có tuổi thơ hồn nhiên

 
(BDO)
Tuổi lên 9, cái tuổi vui chơi hồn nhiên của các em nhỏ, nhưng với em Nguyễn Lê Văn Tiến ở khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, TX. Dĩ An (Bình Dương) lại khác. Mỗi khi nhìn chúng bạn chạy nhảy vui đùa cùng nhau em lại ước rằng, mình cũng được khỏe mạnh để chạy nhảy như các bạn. Thế nhưng, vì bị bệnh thoát vị bẹn nên em đành phải ngồi đó nhìn các bạn. Với thu nhập ít ỏi từ công việc bán bánh ít của mẹ, không biết đến khi nào mẹ em mới có đủ tiền để phẫu thuật thoát vị bẹn cho em.
Từ nhỏ em đã phải sống chung với bệnh tim bẩm sinh. 2 năm trước, em đã được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí. Hiện tại, ngoài căn bệnh thoát vị bẹn, em Tiến còn bị suy dinh dưỡng. Mấy năm gầy đây, con mắt bên phải của em bị sụp mí nên thị giác của em cũng không được tốt. Mới mấy tuổi đầu em đã phải mang trong mình một lúc nhiều căn bệnh khác nhau, nên sức khỏe của Tiến rất yếu.
Năm nay, Tiến bước sang tuổi thứ 9 nhưng em chỉ nặng khoảng 15kg, người còm nhom, yếu ớt, trông em chỉ khoảng 5-6 tuổi. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Vì bệnh tật riết như thế nên việc học của Tiến cứ mãi dỡ dang. Hiện nay, Tiến chỉ mới học lớp 1 thôi. Vì cháu uống thuốc nhiều nên khi cầm bút viết chữ hơi run tay. Người ta bảo, phải cho Tiến ăn uống bổ dưỡng nhiều vô, nhưng hoàn cảnh gia đình mình nghèo khó vậy nên không thể lo cho con đầy đủ, có gì ăn đó thôi. Thấy con yếu ốm như thế chị cũng rầu lắm, muốn vô nước biển cho con khỏe hơn nhưng cũng không đủ sức…”
 
Em Nguyễn Lê Văn Tiến và mẹ. 
Cách đây 6 năm, ba em đã ra đi vì căn bệnh ung thư ruột quái ác, để lại cho chị Hạnh 4 đứa con. Để nuôi 4 đứa con, chị chọn nghề làm bánh ít bột mì. Hàng đêm, chị Hạnh phải thức đến gần sáng mới làm xong 200-300 cái bánh ít để mang ra chợ Dĩ An bán. Ngày nào mua may bán đắt, chị kiếm được khoảng 60.000-70.000 đồng tiền lời từ công việc này. Hết bán bánh ở chợ, chị về nhà làm chuối chiên mang ra trước hẻm bán. Mấy tháng nay con đường phía trước hẻm nhà chị đang sửa chữa, chị đành phải nghỉ bán. Những khi rảnh rỗi, ai kêu làm gì chị làm thêm cái đó để kiếm thêm tiền lo cho con, nhưng không phải khi nào người ta cũng cần đến chị. Cực khổ là vậy nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua, chỉ mong con cái khỏe mạnh, được học hành đàng hoàng. Hiện nay, 3 chị em của Tiến vẫn được mẹ cho đến trường (trừ chị gái đầu đã đi lấy chồng). 
Nhiều khi nhìn Tiến yếu ớt, bệnh tật như thế chị Hạnh không cầm được nước mắt, nhưng vì nhà nghèo nên đành phải nhìn con thơ “chung sống” với bệnh tật. Chị Hạnh nghẹn ngào: “Bác sĩ nói phải mổ thoát vị bẹn cho cháu thì sức khỏe của cháu mới đỡ hơn. Nghe nói chi phí phẫu thuật khoảng 4-5 triệu nhưng vì điều kiện nhà mình quá chật vật nên đến nay vẫn không lo được cho cháu”.
Sinh hoạt của cả nhà gồm 4 người nhưng chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền lời từ công việc bán bánh ít của chị, khó để tiết kiệm được số tiền đó. Chị Hạnh tâm sự: “Mỗi khi mình không trông chừng là cháu lại ra sân chạy nhảy. Có lần phải đưa cháu đi bệnh viện nhi đồng cấp cứu. Nếu có tiền mình đã lo cho cháu được phẫu thuật rồi, chứ đâu để cháu phải chịu cảnh này”. Bởi thế, khi trò chuyện với chúng tôi, chị bảo: “Ước gì mình trúng được tờ vé số để có tiền lo cho con”, dù không khi nào chị dám bỏ ra 10.000 đồng để mua một tờ vé số. “Nhìn cháu vì bị bệnh mà thua sút bạn bè, mình làm mẹ đau lòng lắm. Bây giờ chỉ mong có tiền để lo cho nó được mạnh khỏe, phát triển và lớn lên như những đứa trẻ khác…”, nói đến đây chị Hạnh lại ứa nước mắt. Mong là vậy nhưng không biết đến bao giờ chị mới có đủ tiền để lo cho con.
Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm chia sẻ với em Tiến. Chỉ có như thế em mới có chi phí phẫu thuật thoát vị bẹn. Và chỉ có như thế, tuổi thơ của em mới sớm trở lại hồn nhiên như bao bạn bè.