Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tại thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên  

Ngày 24 tháng 4 năm 2011 vừa qua, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi bệnh và bệnh nhân nghèo (NTT-TMC&BNN) tinh Bình Dương đã phối hợp với Đoàn Cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh  tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí và tặng quà  cho người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tại thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên.
Các Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh đang khám bênh

Ông Nguyễn Thành Phương, chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, Bà Nguyễn Thị Điền Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT-TMC&BNN tỉnh Bình Dương trao quà cho các đối tượng
Sau khi khám, tuỳ bệnh, mỗi bà con được nhận từ 3- 5 ngày thuốc, bình quân mỗi phần thuốc  trị giá 60.000 đồng . Ngoài phần thuốc, bà con được nhận một phần quà bao gồm: đường, mì gói, dầu ăn… mỗi phần quà trị giá  trên 100.000 đồng. 
Tổng tiền thuốc và quà trị giá trên 48 triệu đồng, riêng số tiền quà trên do Hội Bảo trợ NTT-TMC&BNN huyện Tân Uyên vận động các nhà hảo tâm huyện Tân Uyên tài trợ.
Đây cũng là dịp để đoàn Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh được trực tiếp tiếp cận, với mong muốn được góp phần làm giảm bớt những khó khăn cho cho người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tại thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên
 Tin, ảnh: HBTBD


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4:
Người khuyết tật: Có quan tâm, nhưng còn nhiều khó khăn

GiadinhNet - Năm 2011 là năm đầu tiên thi hành Luật Bảo vệ Người khuyết tật - TS Nguyễn Đình Liêu (Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII) - cho biết như vậy.

Có luật nhưng chờ hướng dẫn
Mặc dù được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều người khuyết tật (NKT) có hoàn cảnh éo le, thương tâm. Nhiều NKT chưa có nhà, chỗ ở ổn định. Một số cháu mồ côi mất cả cha lẫn mẹ, không được đi học… NKT khi tham gia các phương tiện giao thông vẫn bị phân biệt đối xử.

Người khuyết tật rất cần được sự chung tay chăm sóc, hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh mang tính minh họa: Internet
Vừa qua, một số NKT đã gửi đơn, thư phản ánh tới Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bộ Lao động – TBXH và một số cơ quan báo chí về việc việc bị thu phí hàng không khi đi máy bay. Cụ thể, chị Ngọc Mai - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Bà Rịa Vũng Tàu và chị Nga ở TP Cần Thơ đi dự Hội nghị Người khuyết tật bằng máy bay, bị Vietnam Airline thu phí phụ trội 145.000 đồng.
Anh Lê Ánh - Hội Người khuyết tật Hà Nội - bị khiếm thính và một người bạn cũng khuyết tật đi từ Huế vào TP Hồ Chí Minh đã bị nhân viên hàng không từ chối.
Bên cạnh đó, hạ tầng nhiều công trình giao thông, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông… không hỗ trợ tốt cho NKT.
Theo ông Nguyễn Đình Liêu, “Ngay sau khi nhận được phản ánh, Hội đã làm việc với Cục Hàng không dân dụng. Họ trả lời đó là thiếu sót của chuyến bay hôm đó và hãng đã yêu cầu bồi thường lại cho hành khách 500.000 đồng, xin lỗi hành khách và sẽ bổ sung vào quy chế khi NKT tham gia giao thông trên máy bay”.
TS Nguyễn Đình Liêu
Cũng theo ông Liêu, từ 1/1/2011, Luật Bảo vệ NKT đã được thực hiện. Theo đó, những trường hợp NKT có phương tiện chuyên dùng mang theo được hoàn toàn miễn phí. Nhưng để Luật đi vào cuộc sống, cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn (lúc này đã cơ bản hoàn thành, đang chờ Chính phủ ký). Trong khi chờ đợi, Hội sẽ tiếp tục phản ánh với hãng hàng không, tiếp tục can thiệp cho NKT.
Cũng theo Luật Bảo vệ NKT, các công trình giao thông, xây dựng đã có lộ trình, theo đó tới 2015 – 2020, tất cả các công trình được tiếp cận thế nào đã có quy định trong Luật, thể hiện bằng các quy định cụ thể của Chính phủ. Bộ Giao thông cũng đã và đang nghiên cứu đề tài tiếp cận xe buýt cho NKT và đang hoàn thiện, dần dần từng bước đưa vào lộ trình kèm theo điều kiện, kinh phí, đảm bảo cho NKT thuận lợi khi tham gia giao thông và trong xây dựng.
Nhiều người khuyết tật được hỗ trợ
Nhiều năm qua Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có những hướng đi tuyên truyền, đặc biệt là những tấm gương NKT vượt lên số phận qua chương trình “Một trái tim – một thế giới” tổ chức hàng năm và có sức lan tỏa cộng đồng. Hiện nay hệ thống quỹ Hội đã nhận được 117 tỉ đồng ủng hộ, đã sử dụng 115 tỉ đồng vào các hoạt động công khai.
Chương trình "Một trái tim – một thế giới” cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước với số tiền là hơn 10 tỉ đồng và sẽ còn tăng thêm.
Năm 2011, Hội tập trung đưa hình ảnh những NKT khiếm thính, khiếm thị vượt khó vươn lên như: Anh Lê Ánh - Đại diện Hội Người khuyết tật Hà Nội hay anh Đào Phạm Khiêm ở TP Hồ Chí Minh phải chịu cảnh mẹ góa con côi, bản thân khiếm thị, gia đình gặp nhiều đau thương, rắc rối vẫn dắt dìu nhau sống. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, anh Khiêm đã thi đỗ đại học và còn học thêm tiếng Anh.
Hay như em Nguyễn Thị Thùy Chi ở Lào Cai bị khiếm thị, đã thi đỗ và đang là sinh viên Học viện Báo Chí và Tuyên truyền.
Có những sinh sinh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự bảo trợ tới lúc ra trường như em Hà Huyền Trang ở Quảng Bình. Năm 2006, bố Trang đi biển bị mất, mẹ bị liệt, cứng khớp. Ngày em đi học, tối tối đi làm thêm ở quán cà phê và quét chợ, trồng rau để có thu nhập nuôi mẹ và đi học. Đã mấy lần Trang suýt phải bỏ học vì gia đình quá khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ, kêu gọi giúp đỡ của Hội, đã có một doanh nghiệp Hàn Quốc tặng em 35 triệu đồng để Trang ổn định học tập tới lúc ra trường.
Thực tế cho thấy, NKT, trẻ mồ côi – là các đối tượng rất cần các nhà bảo trợ giúp đỡ đột xuất, kịp thời, mang tính thường xuyên, lâu dài để sự bảo trợ thiết thực hơn, tạo điều kiện cho họ tiếp tục vươn lên, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Hà Dương
Khám bệnh phát thuốc miễn phí tặng quà cho người tàn tật, trẻ mò cõi , bệnh nhân nghèo 2 xã An Điền, Lai Hưng huyện Bến Cát

Ngày 22/4/2011, Hội Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo (BTNTT,TMC & BNN) tỉnh Bình Dương phối hợp với Khách sạn Bình Dương đã cùng đoàn y bác sĩ của BVÐK huyện Bến Cát do Bác sĩ  Nguyễn Hồng Thái  Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Cát làm trưởng đoàn đã tổ chức khám bệnh cấp phát thuốc và tặng quà cho người tàn tật, trẻ mò cõi , bệnh nhân nghèo tại 2 xã An Điền, Lai Hưng huyện Bến Cát.
Bác sĩ  Nguyễn Hồng Thái đang khám bệnh
Trong một ngày làm việc tận tình, đoàn y bác sĩ đã khám cấp thuốc và tặng quà cho trên 200 lượt người bệnh, chủ yếu là những người già mắc các bệnh thường gặp như cao huyết áp, tiểu đường,  trẻ em mắc các bệnh về tiêu hóa, viêm da dị ứng và một số bệnh, cảm cúm, nhức đầu khi thời tiết thay đổi.
Tiền thuốc và quà  cho đợt  khám bệnh lần này trên 31 triệu đồng do Hội BTNTT,TMC & BNN và Khách sạn Bình dương tài trợ.
 Nhiều bà con rất xúc động bày tỏ tình cảm của mình trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tinh thần tận tâm phục vụ bà con của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bến Cát.
NBTBD

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011



Từng sống và làm việc ở Việt Nam, Michael Palmer (ảnh) - một người Australia - dành nhiều tình cảm với Việt Nam. Trở về Australia để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia, Michael vẫn băn khoăn về tình trạng của những gia đình có thành viên bị khuyết tật ở Việt Nam.
* Điều gì khiến anh ấn tượng nhất ở Việt Nam?
- Tôi sinh sống và làm việc tại VN cũng được 4 năm, đã đi từ Nam ra Bắc, gặp gỡ nhiều người với nhiều hoàn cảnh, tôi đặc biệt quan tâm tới những người khuyết tật (NKT) tại VN. Trong thời gian thực tập tại Trường Y tế công cộng Hà Nội năm 2007, tôi đã phỏng vấn 27 hộ gia đình có thành viên bị khuyết tật ở hai xã Sao Đỏ và Lê Lợi thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tôi rất xúc động, các gia đình ấy đã hợp tác với tôi và mời tôi vào nhà một cách chân thành. Họ trả lời các câu hỏi của tôi một cách cởi mở và chất phác. Nhiều câu chuyện của họ làm tôi không thể quên: Một ông bố mỗi ngày sau giờ làm việc chở con gái khiếm thính trên xe máy lên trung tâm cách xa nhà một tiếng đồng hồ để đi châm cứu; một em bé 14 tuổi phải nghỉ học đi nhặt củi trong rừng để góp một phần lao động cho gia đình; một bà cụ 60 tuổi phải thức dậy 2-3 lần trong đêm suốt 35 năm để đưa con gái đi vệ sinh...
* Qua nghiên cứu, anh thấy lo ngại nhất về vấn đề gì trong cuộc sống của NKT ở Việt Nam?
- Công việc của tôi liên quan đến tình hình kinh tế của những hộ gia đình có NKT. Từ những nghiên cứu, khảo sát tại huyện Chí Linh, tôi thấy NKT có tỉ lệ nghèo (tính theo thu nhập) và có chi phí y tế cao hơn so với những người bình thường. Những hộ gia đình có người lao động chính bị khuyết tật nặng có nguy cơ thiếu thu nhập cao nhất. Trong nhà chỉ có một người lao động nên rất khó để nuôi dạy con cái, đặc biệt là chi trả học phí cho chúng. Vấn đề chính cho đa số hộ gia đình có NKT là chi phí y tế.
Chúng tôi đã phỏng vấn một số hộ gia đình với chi phí y tế cho NKT lên đến 100 triệu đồng (trong khi lương một tháng chưa quá 1 triệu đồng) - tương đương hơn 8 năm làm việc. Với số tiền lớn như thế, họ không có khả năng để tự chi trả, thậm chí không thể vay họ hàng hay người quen, chứ đừng nghĩ đến việc phải vay ngân hàng với lãi suất cao, khiến tình hình kinh tế gia đình tồi tệ hơn và không thể thoát khỏi cảnh nghèo.
Thiếu thu nhập cùng với chi phí y tế cao, điều này trở thành tai hoạ tài chính cho những hộ gia đình có NKT. Tự trách mình là gánh nặng của gia đình rất ảnh hưởng đến tinh thần của thanh niên khuyết tật. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ chi phí y tế và trợ cấp dành cho họ.
* Nhưng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT!
- Tôi biết Chính phủ VN đã có nhiều luật liên quan đến các nhóm đối tượng có nguy cơ nghèo đói cao nói chung và NKT nói riêng. Chính sách bảo trợ dành cho NKT là đúng đắn và quan tâm đến những nhu cầu chính của họ là vấn đề thiếu thu nhập và chi phí y tế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, trợ cấp hằng tháng cho NKT tại VN quá thấp.
Còn bảo hiểm y tế thì chưa đủ chi trả chi phí nằm viện và thuốc men. Kết quả này cùng với cuộc điều tra y tế quốc gia cho thấy rằng tỉ lệ tiếp cận những bệnh viện cấp cao (cấp tỉnh và trung ương) ở NKT cao hơn so với những người bình thường. Chi phí y tế nội trú của những NKT có thẻ bảo hiểm cao gần gấp 3 lần so với những người bình thường có thẻ bảo hiểm.  
Với các hộ gia đình mà chúng tôi đã phỏng vấn, trách nhiệm của họ nằm ở việc chăm sóc NKT và họ rất cần sự giúp đỡ về mặt tài chính. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rõ ràng NKT là đối tượng hay bị xã hội phân biệt. Những chính sách bắt buộc người dân đóng góp, quyên tiền giúp đỡ người nghèo và khuyết tật sẽ khiến sự phân biệt xã hội tồi tệ hơn; vì NKT sẽ bị coi là đối tượng nhận cứu tế xã hội.
Theo tôi, VN cần điều chỉnh một số chính sách cụ thể hơn để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của những hộ gia đình có NKT. Tôi xem VN như là quê hương thứ hai nên luôn hy vọng sẽ có dịp trở lại và được gặp lại các bạn VN, đặc biệt là các bạn khuyết tật.
    Thoan Thoan thực hiện

Thông tư quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội




BÖÅ LAO ÀÖÅNG - THÛÚNG BINH VAÂ XAÄ HÖÅI
-------
CÖÅNG HOÂA XAÄ HÖÅI CHUÃ NGHÔA VIÏåT NAMÀöåc lêåp – Tûå do – Haånh phuác
-------------
-
Söë: 04/2011/TT-BLÀTBXH
Haâ Nöåi, ngaây 25 thaáng 02 nùm 2011









THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHĂM SÓC TẠI CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2008/NĐ-CP);
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập do cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng phục vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội gồm: Người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người lang thang, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi chung là đối tượng).
3. Tiêu chuẩn chăm sóc là căn cứ để thực hiện việc trợ giúp, nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 2. Quy trình tiếp nhận và chăm sóc đối tượng
Quy trình tiếp nhận và chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội gồm các bước sau:
1. Tiếp nhận thông tin, yêu cầu của đối tượng; tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng.
2. Đánh giá về tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe và các nhu cầu của đối tượng.
3. Lập kế hoạch chăm sóc đối tượng.
4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc.
5. Thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và đánh giá sự tiến triển của đối tượng; giám sát, đánh giá các hoạt động chăm sóc và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết.
6. Lập kế hoạch dừng chăm sóc và tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng.
Điều 3. Tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng
Cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm đối tượng được chăm sóc theo các tiêu chuẩn sau:
1. Chăm sóc y tế
Cơ sở bảo trợ xã hội có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Đối với cơ sở bảo trợ xã hội có nhiệm vụ phục hồi chức năng thì phải có cán bộ và trang thiết bị phục hồi chức năng cho đối tượng.
2. Vệ sinh và đồ dùng sinh hoạt
a) Cung cấp đầy đủ nước uống sạch và bảo đảm vệ sinh tắm, giặt hàng ngày cho đối tượng;
b) Cung cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân, gồm xà phòng tắm, khăn tắm, khăn mặt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng riêng;
c) Cung cấp đồ dùng phục vụ việc ngủ, gồm giường nằm, chiếu, gối, chăn, màn;
d) Có nội quy riêng của cơ sở bảo trợ xã hội quy định dọn dẹp vệ sinh và vệ sinh cá nhân.
3. Quần áo
Đối tượng được trang bị quần áo đồng phục đi học (đối với trẻ trong độ tuổi đi học), tất và dép được cung cấp ít nhất 6 tháng/01 lần và được thay thế trong trường hợp bị hư hỏng, mất và quần áo mặc đủ ấm về mùa đông.
4. Dinh dưỡng
a) Cung cấp ít nhất ba bữa ăn sáng, trưa và tối mỗi ngày;
b) Bảo đảm dinh dưỡng đủ calo, có chất đạm (thịt, cá, đậu nành, chất bột đường, ngũ cốc, rau quả);
c) Có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng.
Điều 4. Tiêu chuẩn về giáo dục và học nghề
Cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm cung cấp cho đối tượng được học văn hóa (đối với người có khả năng học tập); được học nghề (đối với trẻ em từ 13 tuổi trở lên và những người có khả năng lao động và có nhu cầu học nghề), cụ thể:
1. Bảo đảm phổ cập giáo dục theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005.
2. Cung cấp giáo dục chính quy hoặc không chính quy trong các trường công lập, dân lập hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội.
3. Giáo dục đối tượng về đạo đức xã hội, vệ sinh, kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và các chủ đề khác phù hợp với độ tuổi và giới tính.
4. Hướng dẫn đối tượng các phương pháp tự phòng tránh buôn bán, lạm dụng, bạo hành và bóc lột.
5. Cung cấp sách vở, tài liệu học tập và bố trí nơi học tập cho đối tượng.
6. Tư vấn để đối tượng tự lựa chọn học nghề và phù hợp với điều kiện của địa phương.
7. Đối tượng được hỗ trợ học tiếp lên hoặc học nghề tùy thuộc vào độ tuổi, sự lựa chọn và nhu cầu thị trường.
Điều 5. Tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao và giải trí
Cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm cho đối tượng:
1. Về văn hóa
a) Môi trường văn hóa có sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ đối tượng thể hiện tình cảm, suy nghĩ, ý tưởng và sự sáng tạo;
b) Có cơ hội tham gia vào các hoạt động tôn giáo và xã hội;
c) Học văn hóa truyền thống dân tộc và tôn trọng quyền tự do về tôn giáo, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam;
d) Có quyền lựa chọn tôn giáo mà không bị phân biệt đối xử, không bị ép buộc theo một tôn giáo để được chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Về thể thao, vui chơi, giải trí
a) Tham gia vào các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi và người dân ở cộng đồng; hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia một cách an toàn vào các hoạt động kể trên;
b) Được tạo điều kiện để làm quen, kết bạn với những người sống xung quanh, bạn học ở trường và cộng đồng; gặp gỡ với gia đình hoặc những người thân, bạn bè, trừ một số trường hợp có khả năng đe dọa đến sự an toàn của đối tượng.
Điều 6. Các quyền của đối tượng trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Tham gia quá trình lập kế hoạch chăm sóc và trợ giúp đối tượng.
2. Tham gia quá trình đưa ra quyết định về việc tái hòa nhập gia đình, cộng đồng của đối tượng; bảo đảm an toàn và phúc lợi cho đối tượng.
3. Được biết về các tiêu chuẩn chăm sóc và các chính sách của nhà nước liên quan đến chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
4. Tiếp cận đầy đủ với các thông tin cá nhân, hồ sơ cá nhân của mình, bao gồm lý lịch bản thân, hồ sơ y tế. Những hồ sơ này được bảo mật.
5. Thảo luận và trao đổi ý kiến về các quy định, quy tắc của cơ sở bảo trợ xã hội và các quy định có liên quan đến cuộc sống của đối tượng.
6. Tham gia vào các công việc hàng ngày của cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp với độ tuổi và khả năng của đối tượng mà không bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay sự phát triển của đối tượng và thời gian học tập, giải trí của đối tượng.
7. Tham gia vào các ngày lễ lớn của đất nước, ngày kỷ niệm quốc gia và quốc tế, gồm Tết nguyên đán, năm mới quốc tế, ngày quốc tế thiếu nhi và các ngày lễ khác do nhà nước quy định.
8. Tham gia các buổi thuyết trình, tham quan và các hoạt động khác liên quan đến việc học tập của các đối tượng.
9. Tham dự các buổi lễ của gia đình, gồm lễ cưới, đám tang theo nguyện vọng nhưng không ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của đối tượng.
Điều 7. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Đánh đập.
2. Nhốt đối tượng vào một nơi tách biệt.
3. Trói đối tượng.
4. Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ.
5. Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp.
6. Ngừng chăm sóc y tế cho đối tượng.
7. Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác.
8. Đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục.
9. Buộc đối tượng làm những việc quá sức.
Điều 8. Tiêu chuẩn về môi trường, khuôn viên và nhà ở
1. Môi trường và khuôn viên của cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm các điều kiện sau:
a) Có ít nhất một khu vườn, cột cờ và không gian phù hợp cho đối tượng tập thể dục, vui chơi và thể thao. Nếu có ao, hồ thì cần được rào lại, bảo đảm an toàn cho đối tượng;
b) Có khu đất để tăng gia, sản xuất phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở bảo trợ xã hội;
c) Có nơi đổ rác, chất thải thường xuyên và các biện pháp xử lý rác, chất thải phù hợp;
d) Có hệ thống thoát nước;
đ) Có khu chăn nuôi gia súc, gia cầm cách xa khu vực văn phòng và nhà ở;
e) Có tường rào và đèn chiếu sáng nhằm đảm bảo sự an toàn cho cơ sở bảo trợ xã hội;
g) Cổng cơ sở bảo trợ xã hội có biển ghi tên và địa chỉ rõ ràng;
h) Có phòng tang lễ, nhà thắp hương cho đối tượng qua đời.
2. Diện tích đất và phòng ở của cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội, tùy mật độ dân số ở các tỉnh, thành phố và số lượng đối tượng mà có sự điều chỉnh diện tích cho phù hợp.
3. Cơ sở vật chất của cơ sở bảo trợ xã hội bảo đảm có:
a) Cửa ra vào, cửa sổ cung cấp đủ ánh sáng và bảo đảm thông thoáng;
b) Các hệ thống bảo đảm an toàn cho đối tượng, bao gồm việc lắp đặt các hệ thống điện, gas và thoát nước một cách phù hợp;
c) Các thùng rác phù hợp;
d) Nhà vệ sinh, nhà tắm phù hợp với các nhóm đối tượng, bao gồm cả người khuyết tật; có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng cho phụ nữ;
đ) Phòng ngủ của đối tượng có diện tích phù hợp và đảm bảo diện tích để đặt các ngăn tủ chứa vật dụng cá nhân cho không quá 8 người;
e) Sắp xếp việc ngủ, nghỉ cho đối tượng phù hợp với độ tuổi và giới tính;
g) Có khu sinh hoạt chung cho đối tượng trong thời gian rảnh rỗi;
h) Có bếp và phòng ăn chung cho đối tượng;
i) Có phòng y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đối tượng;
k) Có trang thiết bị cần thiết cho người khuyết tật.
Điều 9. Về quản lý hành chính
Cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập:
1. Chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm sự an toàn của đối tượng, ngăn ngừa việc đối tượng bị bạo lực, bóc lột và lạm dụng.
2. Báo cáo hàng tháng cho cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý trực tiếp.
3. Có văn bản tiếp nhận đối tượng khi đối tượng được chuyển đến.
4. Báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi có đối tượng trốn khỏi cơ sở bảo trợ xã hội hoặc đối tượng qua đời, bị bắt cóc hoặc mất tích.
5. Bảo đảm tính bảo mật đối với các hồ sơ cá nhân của đối tượng.
6. Thực hiện các chính sách, quy trình, tiêu chuẩn, thủ tục hành chính, giám sát và đánh giá theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức tập huấn cho các nhân viên mới được tuyển dụng.
8. Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống lạm dụng đối tượng.
9. Đánh giá hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, ngành có cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:
a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc của cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Dự toán và phân bổ kinh phí bảo đảm thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc cho các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc của các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc phạm vi quản lý về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:
a) Hướng dẫn, quản lý, kiểm tra hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Lập dự toán, cấp và thanh quyết toán kinh phí nuôi dưỡng, sinh hoạt phí cho đối tượng trong các cơ sở công lập;
c) Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình, kết quả hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội thuộc phạm vi quản lý về cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cùng cấp trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hàng năm.
3. Cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm:
a) Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên và người chăm sóc;
b) Xây dựng phương án bố trí nhân lực và nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên; cải tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất. Đối với cơ sở bảo trợ xã hội công lập, trình cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, phê duyệt phương án;
c) Thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan quản lý cấp trên và Ủy ban nhân dân cùng cấp về hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2011.
2. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3 của Thông tư số 07/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, hướng dẫn.
KT.Bộ Trưởng
Thứ Trưởng
Nguyễn Trọng Đàm
(đã ký)


Hôm nay, 18-4, là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Dịp này, trên cả nước có nhiều hoạt động quan tâm đến người khuyết tật (NKT). Nước ta hiện có khoảng 5,3 triệu NKT và trẻ mồ côi, chiếm  7% số dân. Trong đó, có 1,1 triệu NKT nặng, bao gồm NKT về vận động, thần kinh, thị giác. Tỷ lệ  NKT nam cao hơn nữ do các nguyên nhân chiến tranh, tai nạn lao động, và dự báo, con số này có thể còn tăng do tai nạn giao thông, thương tích.
Ðể tạo điều kiện giúp NKT tự chủ trong cuộc sống, từ năm 2006, ngay sau khi Công ước quốc tế về quyền của NKT được Liên hợp quốc thông qua, nước ta đã ký tham gia, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong  xây dựng  chính sách  đối với  NKT.  Ðảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp NKT, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của NKT từng bước được cải thiện, xã hội đã có những thay đổi cơ bản về thái độ đối với NKT. Thực tế cho thấy, nhiều NKT rất có nghị lực, vượt qua được khó khăn, thách thức của bản thân, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 cơ sở chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng NKT, hơn một triệu NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, hơn 30 nghìn người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 100% số NKT thuộc hộ gia đình nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Mặc dù có những tiến bộ về nhận thức đối với NKT, song có lúc, có nơi, cộng đồng xã hội vẫn nhìn nhận về NKT chưa đúng mức. Vẫn còn hiện tượng NKT bị kỳ thị, phân biệt đối xử. NKT còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giao thông công cộng, học tập, vui chơi giải trí, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương do điều kiện khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe NKT tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Ðể khắc phục những hạn chế của hệ thống chính sách, pháp luật đối với NKT, đồng thời để NKT thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII đã thông qua Luật NKT và Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa Luật NKT vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục phục vụ NKT trong giao thông, chăm sóc sức khỏe, làm việc. Khuyến khích, động viên các tổ chức, tập thể cá nhân có lòng hảo tâm nhận dạy nghề và giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác này cần được tuyên dương, khen thưởng. Các tấm gương NKT vươn lên thành công trong cuộc sống rất cần được các cơ quan chức năng động viên, giúp đỡ và nhân rộng để làm tấm gương cho NKT khác noi theo.
Trợ giúp NKT vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực luôn là nguồn động viên lớn lao, giúp NKT nỗ lực rèn luyện, lao động, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
TRỊNH SƠN
 
Bếp trưởng khiếm thính Nguyễn Văn Hợp.    
NDĐT- Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật các dạng, chiếm hơn 6,3% dân số. 37% trong số này phải sống trong cảnh nghèo. Do đó, tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật chính là giải pháp tốt nhất giúp họ thoát nghèo.
Doanh nghiệp đồng hành cùng người khuyết tật
Bếp trưởng hiện nay của Donkey Bakery tại Hà Nội là anh Nguyễn Văn Hợp, một người khiếm thính. Anh Hợp 37 tuổi, quê ở Sơn La và bị khuyết tật nghe bẩm sinh. Anh được một trong hai người sáng lập nhà hàng mời về làm việc và đề nghị anh học làm bánh. Giờ anh đã có một vị trí vững chắc và thu nhập ổn định hằng tháng.
Tại Donkey Bakery (hay hiệu bánh Con lừa) trên đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, hiện có 20 người khuyết tật như anh Hợp làm việc. Họ có thể mang một khuyết tật nào đó nhưng tất cả đều là những nhân viên chăm chỉ.
Chủ hiệu bánh Con lừa, ông Marc Stenfert Kroese , người tự nhận mình là “chú lừa lớn” và trìu mến gọi các nhân viên là “những chú lừa con”, luôn muốn chứng tỏ rằng người khuyết tật có thể làm việc trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Ông hy vọng tạo nên một doanh nghiệp bền vững với đội ngũ nhân viên có ít nhất 80% người khuyết tật. Nguyên tắc tuyển dụng của Donkey Bakery không dựa trên bằng cấp mà dựa vào tính cách, giá trị sống và tinh thần vươn lên học hỏi.
Ông Marc Stenfert Kroese và bà Luyến Shell hợp tác mở hiệu bánh Donkey vào tháng 8 năm 2009. Thời gian đầu, cửa hàng chuyên bán bánh donuts nhưng khá kén khách hàng. Marc quyết định kinh doanh thêm mặt hàng bánh mỳ và hợp tác với một chuyên gia người Đức sang hướng dẫn cho các nhân viên. Ông là một nghệ nhân làm bánh mỳ người Đức đã 75 tuổi, không biết tiếng Việt, chẳng nói được tiếng Anh và dạy theo cách làm bánh mỳ truyền thống của người Đức. Tuy nhiên, những nhân viên khuyết tật tại hiệu bánh Con lừa đã học nghề bằng một ngôn ngữ khác : ngôn ngữ cử chỉ. Sau khi thời gian đào tạo kết thúc, ông già người Đức đã thốt lên : Các bạn là những học trò tuyệt vời.
Một gương mặt thú vị khác ở đây là Trần Quốc Hoàn, 30 tuổi. Tuy không may bị khiếm thị bẩm sinh nhưng Hoàn vẫn giữ cho mình nghị lực sống đáng khâm phục. Từng tốt nghiệp khoa Báo chí (ĐH Khoa học xã hội nhân văn quốc gia), Hoàn làm việc tại hiệu bánh Donkey với vị trí lễ tân, nhận đơn đặt hàng qua điện thoại và website. Hoàn tâm sự, qua công việc, khả năng tiếng Anh của mình đã được cải thiện rất nhiều. Hằng ngày, Hoàn đi làm bằng xe bus. Ngoài ra, bạn cũng tham gia nhiều hoạt động tại câu lạc bộ của người khuyết tật Hà Nội.
Nằm ở một vị trí đắc địa ven hồ Tây, cửa hàng thời trang Chula cũng là một địa chỉ gần gũi với người khuyết tật. Anh Diego Cortizas, chủ hãng Chula Fashion rất say mê khi nói về thời trang và những người lao động đặc biệt của mình. Chula fashion do anh và vợ, chị Laura Fontán, thành lập năm 2006 với dòng sản phẩm cao cấp mang phong cách Latin kết hợp truyền thống Á Đông. Tại đây hiện có 49 người khuyết tật làm việc trong tổng số 56 nhân viên.
Anh Diego cho biết, việc tuyển dụng người khuyết tật tại Chula rất tình cờ nhưng lại là quyết định đúng đắn với anh. Học tập kinh nghiệm từ trường Hoa Sữa, nhân viên đầu tiên làm việc ở Chula là Dương, một cô gái khiếm thính. Cô hiện đã lập gia đình và có hai em bé.
Gắn bó với Việt Nam đã bảy năm, mong muốn của Diego Cortizas khi xây dựng thương hiệu Chula là hình thành không gian mở với khách hàng. Họ tới đây không chỉ đơn giản mua một sản phẩm mà còn có thể xem tất cả các công đoạn sản xuất, giao lưu với những người thợ.
Với bản thân Diego, khái niệm khuyết tật cũng không xa lạ khi trong gia đình, người anh rể cũng bị khuyết tật về trí tuệ và đã qua đời. Một người họ hàng của anh cũng bị khiếm thính. Anh tuyển dụng người khuyết tật như lao động bình thường và nhận thấy, trong nhiều công việc, họ có khả năng làm việc tốt hơn người không khuyết tật do có những kỹ năng khác hơn bù lại. 70% nhân viên tại Chula chưa từng đi làm nên anh chú trọng việc dạy nghề. Với một người khuyết tật bình thường chưa trải qua đào tạo, sau khoảng bảy tháng làm việc và học hỏi tại đây, họ có thể may được một chiếc váy hoàn chỉnh.
Cô gái Nguyễn Thị Bốn, 25 tuổi, đã làm ở Chula hơn hai năm. Công việc ổn định ở đây giúp cô đủ trang trải chi phí gia đình. Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, Bốn đã kết hôn và có một bé trai 4 tuổi xinh xắn. Còn Lưu Thị Miền, 28 tuổi, đến từ huyện Giao Thuỷ, Nam Định đã gắn bó với Chula hơn bốn năm. Mức thu nhập trên bốn triệu đồng giúp cô đủ chi tiêu cho bản thân và phụ giúp gửi tiền về cho bố mẹ. Cô cũng đam mê công việc này vì thích sáng tạo với những mẫu váy đẹp.
Chula cũng có những khoản trợ cấp, dù ít ỏi, cho nhân viên khuyết tật như hỗ trợ nuôi con, thuê nhà hoặc tiền đi lại. Anh Diego khẳng định mình không hề làm công tác từ thiện mà luôn coi những nhân viên khuyết tật của mình như người bình thường, bình đẳng trong công việc, nhận lương và chế độ đãi ngộ như những người không khuyết tật. Anh cho rằng, nếu khuyến khích người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội, họ có thể làm được nhiều việc. Tuy rằng, đôi khi họ cần thêm sự hỗ trợ và người sử dụng lao động cũng phải linh hoạt trong một số trường hợp.
Chula Fashion và hiệu bánh Donkey là hai trong số nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận giải thưởng Dải băng xanh của Hội đồng tư vấn người sử dụng lao động về việc làm cho người khuyết tật (BREC) tháng hai vừa qua.
Cộng đồng cùng chung tay
Đánh giá của Văn phòng Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã nhận ra rằng người khuyết tật có thể làm việc với năng suất tốt và họ còn giúp đem lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp. Báo cáo khẳng định, người khuyết tật là những nhân viên tốt và đáng tin cậy, gắn bó lâu dài với công việc hơn, đồng thời là nguồn nhân lực có kỹ năng chưa được khai thác.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết, Luật Người khuyết tật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 đã quy định rõ về việc làm đối với người khuyết tật trong ba điều 33,34 và 35. Trong đó nêu rõ, để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khoẻ, đặc điểm của mình. Luật cũng ghi rõ không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc.
Luật khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Ông Toản cũng nhận định, sự ra đời của Luật Người khuyết tật thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong chính sách với người khuyết tật, từ khái niệm trợ giúp nhân đạo sang hỗ trợ chính sách.
Chị Phan Thị Cẩm Lý, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội cho rằng, các quy định của pháp luật đã hình thành cách tiếp cận mới dựa trên quyền của người khuyết tật. Từ đó, xã hội nên loại bỏ dần những rào cản, hướng người khuyết tật tới hoà nhập cộng đồng và nhìn nhận khả năng thực sự của họ trong tuyển dụng. Sự thay đổi căn bản trong nhận thức của cộng đồng là tập trung vào khả năng có thể của người khuyết tật, khuyến khích họ tự lập, tăng cường dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng…
LÊ NGÂN
Thư gửi người khuyết tật Việt Nam

Tôi viết bức thư này không phải để nói với các bạn những điều gì nên làm và những điều gì không nên làm cho chính bản thân các bạn. Các bạn chính là người sẽ làm cho xã hội phải có cách nhìn nhận khác nhau về mình và cũng chính các bạn sẽ là người chứng minh cho thế giới này biết rằng mình có thể làm được những việc gì. Khi tôi bắt đầu viết bức thư này, tôi cũng không biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu viết như thế nào. Tôi là một người may mắn nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã không trải qua những lúc khó khăn. Cuộc đời không ai nói trước được điều gì và chúng ta nên đón nhận mọi thứ khi nó đến cho dù đó có thể là điều tồi tệ nhất.
Giờ đây tôi đang theo học chuyên ngành Quốc tế học tại trường đai học Oregon, thành phố Eugene, Hoa Kỳ. Hiện tại, tôi đang học một môn có tên tạm dịch là “Những nhìn nhận khác nhau về vấn đề người khuyết tật trên toàn cầu” “Global perspectives on Disabilities”. Khoá học này do cô Susan Gygall giảng và tôi thực sự đã rất ngỡ ngàng khi đọc và tìm hiểu về những tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của những người khuyết tật ở khắp nơi trên thế giới. Khi đi học xa nhà, tôi mới nhận ra rằng thời gian ở nhà, mình đã chưa làm được gì nhiều cho gia đình, cho người thân và cho xã hôi.
Được học tập ở một nước phát triển, tôi đã gặp những người già và những người khuyết tật ngồi trên xe lăn và thấy họ đi khắp thành phố và trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội. Viết đến đây tôi lại nghĩ về bà nội tôi. Bà đã phải ngồi trên xe lăn đến nay là hơn 10 năm rồi và rất hiếm khi tôi đưa bà ra khỏi nhà để đi dạo. Điều đó có một phần là do điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã không cho phép nhưng đó cũng chính là vòng xoáy của cuộc đời đã kéo tôi vào những ngày tháng làm việc không mệt mỏi để kiếm tiền nuôi sống bản thân mình và gia đình. Tôi cũng không dám nói là mình đã hiểu được những suy nghĩ của các bạn bởi không ai hiểu mình bằng chính mình. Tôi phải thú nhận rằng mình đã rất vô tâm đối với các bạn và đối với những vấn đề của xã hội. Trong thời gian theo học khoá học này, đã có rất nhiều người hỏi tôi về tình hình người khuyết tật tại Việt Nam. Họ hỏi về những điều kiện mà xã hội dành cho người khuyết tật với những câu hỏi rất đơn giản nhưng để tìm ra câu trả lời lại là một điều không hề đơn giản chút nào. Những câu hỏi đai loại như: Người khuyết tật ở Việt Nam có ra đường và tham gia các hoạt động xã hội không? Các toà nhà ở Việt Nam có đường dành cho người đi xe lăn không? Nhà vệ sinh có được thiết kế cho người khuyết tật không? Xe buýt có chỗ dành cho người khuyết tật đi xe lăn không? Tỷ lệ người khuyết tật được đi học là bao nhiêu và bao nhiêu phần trăm người khuyết tật học được ở trình độ đại học? Xã hội nhìn nhận vấn đề người khuyết tật là như thế nào?… Và còn rất nhiều câu hỏi khác mà bản thân tôi không thể trả lời được. Tôi hiểu nhà nước Việt Nam cũng đã dành rất nhiều sự quan tâm và các chính sách xã hội cũng đã có nhiều ưu đãi đối với người khuyết tật nhưng liệu như thế có đủ không và đó cũng chỉ là cách làm xuất phát từ quan điểm của những người không bị khuyết tật mà thôi.
Còn các bạn thì sao? Các bạn có muốn hàng ngày tự mình đi đến công sở hay nơi làm việc bằng chính bản thân mình không? Các bạn có muốn khi mình đi ra đường không bắt gặp phải những ánh mắt lạ lẫm nhìn mình như một người không bình thường không? Các bạn có muốn xã hội nhìn mình một cách bình đẳng như những người bình thường mà không phải là những ánh mắt xót thương không? Đã bao giờ các bạn tự đặt câu hỏi là tại sao ở Việt Nam phải có các trường đặc biệt dành cho người khuyết tật mà không phải là việc học tập cùng với những người bình thường? Tại sao mình lại không ra ngoài mà lại tự thu mình và cách biệt với thế giới bên ngoài? Tại sao vấn đề người khuyết tật thường gắn với vấn đề từ thiện? Còn rất nhiều câu hỏi tại sao và tại sao và tại sao mà tôi không thể nghĩ ra trong lúc này được, và cũng thật buồn cười khi tự tôi đặt ra những câu hỏi này khi mà điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam đang còn gặp rất nhiều khó khăn và Việt Nam chỉ mới thực sự có những đổi thay to lớn từ những ngày sau Đổi Mới. Nhưng nói như thế không có nghĩa là những người khuyết tật không có quyền đòi hỏi những gì xứng đáng thuộc về bản thân mình. Chúng ta đang thấy rất nhiều công trình xây dựng đang mọc lên ở Việt Nam với những toà nhà cao ốc. Các bạn thử đến những nơi đấy tìm hiểu xem các toà nhà đấy có đường dành cho người khuyết tật đi xe lăn không? Các bạn thử đến những công sở của nhà nước hay các công ty tư nhân xem có đường đi nào để các bạn có thể tự mình đi mà không cần ai giúp không? Với những nơi mà những toà nhà đã xây dựng từ trước đây thì tôi không nói tới nhưng với những nơi đang xây dựng thì xây thêm một đường cho người tàn tật liệu có tốn hơn không? Tôi tin là sẽ chẳng tốn thêm một đồng xu nào cả, mà vấn đề là những người thiết kế có nhận thức được sự hiển diện của các bạn khi đặt bút thiết kế những toà nhà đấy hay không mà thôi. Ngoài ra còn những công viên, những địa điểm vui chi công cộng nữa, xây thêm những đường đi dành cho người khuyết tật có làm cho bộ mặt thành phố xấu đi không hay sẽ đem lại hạnh phúc hơn cho mọi người. Hàng ngày đi đường, tôi vẫn chứng kiến những cuộc đào đường của các công ty điện, nước, điện thoại… và công ty cầu đường sửa đường với số tiền khổng lồ nhưng các bạn có nhận ra là nếu ngồi trên xe lăn thì không thể đi được trên các vỉa hè vì mỗi đoạn cắt đều không có đường đi xuống không? Tất cả các vấn đề đấy đều chỉ có thể được giải quyết từng bước từng bước một nếu chính các bạn, những người khuyết tật phải lên tiếng.
Còn nhiều điều khác nữa mà bản thân tôi không thể cứ hỏi mãi được bởi tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi chính mình cũng chỉ biết nói mà chưa làm được gì cả. Trước đây, những người nô lệ da đen làm cách mạng đâu có phải là để đòi làm người da trắng, các cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ đâu có phải là để đòi trở thành nam giới đâu mà là để khẳng định chính mình đấy chứ, người Việt đứng lên chống lại sự xâm lược của đế quốc đâu có phải chỉ vì kết cục là chiến thắng mà còn để khẳng định quyền làm người, quyền tự do và quyền tự quyết cho những vấn đề của chính dân tộc mình. Các bạn cũng vậy, nếu các bạn, bằng những hành động của mình, làm cho xã hội nhìn nhận bản thân mình khác đi cũng đâu có phải là để biến mình thành người không bị khuyết tật mà là để khẳng định giá trị của mình và khẳng định sự hiển diện của mình trong sự phát triển chung của xã hội. Qua tivi và sách báo, tôi cũng biết có nhiều người khuyết tật đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình để tự chiến thắng bản thân mình nhưng các bạn có tự hỏi con số đấy là bao nhiêu chưa? Hay đó chỉ là những điển hình mà thôi? Có rất nhiều chương trình hỗ trợ của các quỹ quốc tế và trong nước nhưng những điều đó cũng chỉ là những con cá mà thôi trong khi điều các bạn cần lại là những chiếc cần câu cá mà.
Viết đến đây tôi cũng không biết mình có làm cho các bạn bực mình hay giận tôi hay không nhưng nếu có thì đó chính là điều tôi mong đợi. Tôi không viết để chia xẻ cảm thông của tôi với các bạn mà tôi viết để chất vấn bản thân mình, để chất vấn chính các bạn và chất vấn cả xã hội nữa. Tôi không có mong muốn làm điều gì quá sức của mình nhưng tôi có mong muốn làm những gì mà mình có thể làm và tôi hy vọng các bạn cũng vậy. Tôi sẽ về nước vào năm 2005 và tôi sẽ là một trong số những người ủng hộ các bạn. Xin chào và hy vọng chúng ta sẽ có thể thấy được những đổi thay trong tương lai gần. Chúc các bạn thành công.
Nguyễn Thanh Hải
Sinh viên cao học
Trường đại học Oregon, thành phố Eugene, bang Oregon, Hoa Kỳ
Theo: PORTAL.PWD.VN

Điều lệ Của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam

BỘ NỘI VỤ
Số: 257/QD-BNV
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------

                                                                  Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Phê duyệt điều (sửa đổi) của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam


BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

- Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 1957 về việc ban hành Luật quy định về quyền thành lập Hội;
-  Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
-  Căn cứ Nghị định số 88/2003/ND-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 7 năm 2003 quy định tổ chức, hoạt động và quản lý của các Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam và Vụ Trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ,

                                             QUYẾT ĐỊNH:
- Điều 1. Phê duyệt bản điều lệ (sửa đổi) của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III thông qua ngày 12 Tháng Năm năm 2007.
- Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
- Điều 3. Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Chánh Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.



Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
- Lưu VT, Vụ TCPCP
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




(Đã ký)
TRẦN HỮU THẮNG


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


-----------------------------
ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI)

HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI TÀN TẬT VÀ TRẺ MỒ CÔI VIỆT NAM
(Phê chuẩn kèm theo Quyết định số 257/QD-BNV ngày 19 Tháng 3 năm 2008  của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam (sau đây gọi là Hội) là một tổ chức xã hội từ thiện. Hội vận động sự tự nguyện chia sẻ, bảo trợ cho người tàn tật, trẻ mồ côi Việt Nam nhằm giúp họ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sống của họ, tạo điều kiện tốt để họ phát huy khả năng tham gia của họ trong các hoạt động xã hội.
Hội hoạt động theo Hiến pháp và Luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều này, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và bảo trợ và quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Hội là một hội viên của Mặt trận Tổ quốc Việt.
Nó có quan hệ và hợp tác với các tổ chức khác của địa phương và quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tuân theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã được ký kết hoặc công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên Hội
Tên Hội: Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật và Trẻ Mồ Côi Việt Nam
Tên tiếng Anh: The Association for the Support of Vietnamese Handicapped and Orphans.
Tên viết tắt: ASVHO

Điều 2. Mục đích của Hội        Hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người tàn tật và trẻ mồ côi. Hội tích cực vận động và thu hút mọi tiềm năng của xã hội, của các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước để trợ giúp người tàn tật và trẻ mồ côi nhập vào xã hội góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam.

Điều 3. Phạm vi hoạt động, biểu tượng, tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở của Hội
Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, có biểu tượng riêng của mình, pháp nhân, có con dấu bao gồm cả con dấu thu nhỏ, dấu nổi và tài khoản riêng tại Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc. Trụ sở của Hội đặt tại thủ đô Hà Nội và được đặt văn phòng đại diện, chi nhánh của nó được đặt tại nhiều địa phương khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HỘI
Điều 4. Chức năng của Hội
       Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao trách nhiệm xã hội; phát huy truyền thống của dân tộc "Thương người như thể thương thân”, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tàn tật và trẻ mồ côi, động viên người tàn tật và trẻ mồ côi thực hiện tốt nghĩa vụ của người công dân.

Điều 5. Nhiệm vụ và Quyền hạn của Hội
   1. Tập hợp, đoàn kết, động viên người tàn tật và trẻ mồ côi khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.

    2. Tuyên truyền và tổ chức hoạt động; vận động cá nhân, đơn vị nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội,... trợ giúp người tàn tật và trẻ mồ côi, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn để giúp họ cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

   3. Đề xuất và kiến nghị với Nhà nước ban hành, bổ sung, sửa đổi và thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tàn tật và trẻ mồ côi.

4.  Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo và từ thiện, tranh thủ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, trong nước và quốc tế cho người tàn tật và trẻ mồ côi. Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động bảo trợ của người tàn tật và trẻ mồ côi. Tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của người tàn tật và trẻ mồ côi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Nguyên tắc và tổ chức hoạt động của Hội
1. Tự nguyện, tự quản, tự trang trải
2. Đoàn kết, tương  trợ và hợp tác bình đẳng.

Chương III
HỘI VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN, TÌNH NGUYỆN VIÊN

Điều 7. Hội viên
Mọi cá nhân và tổ chức (Việt Nam) tàn thành với các điều của Hội, tự nguyện xin vào Hội, có điều kiện hoạt động đều được Hội xem xét công nhận là Hội viên

Điều 8. Quyền của các hội viên của Hội1. Được tham gia vào các hoạt động của tổ chức  Hội;
2.  Được ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
3. Được hỗ trợ, giúp đỡ theo khả năng của Hội và được bảo vệ nếu quyền lợi ích chính đáng hợp pháp bị xâm phạm;
4. Được đề xuất, góp ý kiến và đề nghị Hội kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề mà mình quan tâm.

Điều 9. Nghĩa vụ của hội viên1. Tham gia sinh hoạt tại một tổ chức của Hội.
2. Chấp hành Điều lệ Hội, nghi quyết của Đại hội cũng như các quyết định khác của Hội.
3. Tham gia các hoạt động của Hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.
4. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của của Hội. Tham gia đóng góp vào tuyên truyền, vận động phát triển Hội. Đóng hội phí cho hội.

Điều 10. Cộng tác viên và tình nguyện viên1. Cộng tác viên là những người không phải là hội viên, tham gia ủng hộ hoạt động Hội và vận động ủng hộ quỹ Hội.
2. Tình nguyện viên là những người không phải là hội viên, tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội chăm sóc giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi
3. Cộng tác viên và tình nguyện viên được hội tạo điều kiện tham gia các hoạt động trợ giúp do Hội tổ chức

Chương IV
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 11. Tổ chức của Hội1. Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tập trung, quyết định theo đa số, làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Tổ chức Hội bao gồm:a. Đại hội
b. Ban Chấp hành
c. Ban Thường vụ
d. Ban Thường trực.
đ. Ban kiểm tra
e. Chủ tịch, Phó Chủ tịch
g. Văn phòng
h. Các đơn vị tực thuộc Hội.
Hội thành lập ở Trung ương là Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam. Ở địa phương, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra Qquyết định cho phép thành lập quy định của pháp luật.

Điều 12. Đại hội của Hội
1. Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội. Đại hội đại biểu toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần. Trong trường hợp đặc biệt khi có 2 / 3 số Ủy viên  của Ban chấp hành hoặc quá nửa số hội viên của Hội đề nghi, Hội sẽ tổ chức một đại hội bất thường.
2. Đại hội có các nhiệm vụ sau:
a. Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết của mỗi nhiệm kỳ của Hội.
b. Quyết định phươn hướng, nhiệm vụ và chương trình hoạt động của Hội;
c. Thông qua báo cáo tài chính;
d. Quyết định bổ sung hoặc sửa đổi các điều;
e. Thảo luận và quyết định vấn đề quan trọng trong hoạt động của Hội;
f. Bầu Ban chấp hành;
g. Bầu Ban kiểm tra;
h. Đại hội biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu hoặc giơ tay cho Đại hội quyết định. Quyết định của Đại hội là quyết định theo đa số các đại biểu có mặt theo quy định và pháp luật;
i. Biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội.

Điều 13. Ban Chấp hành
Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ Đại hội. Ban chấp hành họp thường kỳ 06 tháng 1 lần, và cuộc họp bất thường khi cần thiết.

Điều 14. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1. Tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đại hội;
2. Quyết định các chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch tài chính hàng năm;
3. Quyết định các vấn đề của tổ chức Hội, quyết định cơ cấu, số lượng bầu ban thường trực, quyết định bổ sung các ủy viên của Ban chấp hành (số lượng hội viên bổ sung không quá 1 / 3 số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội đã quyết đinh); Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký trong ủy viên Ban ban thường trực.
4. Giám sát hoạt động của Uỷ ban thường vụ, Ban Thường trực và các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội
5. Triệu tập Đại hội hoặc Hội nghị của Hội;
6. Xem xét và quyết định tư cách hội viên;
7. Quyết định hình thức khen thưởng.

Điều 15. Ban Thường vụ và ban Thường trực Hội1. Ban Thường vụ:
a. Ban Thường vụ Hội do Ban chấp hành Hội bầu gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội hoặc thư ký Hội và một số Ủy viên;
b. Ban Thường vụ Hội chỉ đạo điều hành hoạt động giữa 2 kỳ họp của Ban chấp hành Hội; quyết định triệu tập các cuộc họp của Ban Chấp hành
c. Ban Thương vụ Hội hoạt động theo quy chế được Ban chấp hành Hội thông qua.
 2. Ban Thường trực
a. Ban Thường trực gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký hoặc thư ký  Hội;
b. Ban Thường trực chỉ đạo, điều hành hoạt động thường xuyên theo Nghị quyết của ban chấp hành, ban thường vụ và hướng dẫn các cơ quan cấp trên có thẩm quyền.

 Điều 16. Chủ tịchChủ tịch Ban chấp hành đồng thời là Chủ tịch Hội (viết tắt của Chủ tịch) có quyền hạn và trách nhiệm như sau:
1. Đại điện pháp nhân Hội trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.
2. Chỉ đạo thực hiện công việc giữa 2 kỳ họp của Ban chấp hành, Ban thường vụ.
 3. Chủ trì các kỳ họp Đại hội toàn thể và Ban Chấp hành Hội.

Điều 17. Các Phó Chủ tịch
Do Ban chấp hành bầu theo đề nghị của Chủ tịch Hội, Phó chủ tịch thực hiện một số nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch; phụ trách một số Ban chuyên môn.

Điều 18. Tổng Thư ký hoặc thư ký
Tổng Bí thư hoặc thư ký Hội là thành viên của Ban chấp hành và bầu Ban chấp hành, có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
a. Tổ chức, điều hành hoạt động hàng ngày của Uỷ ban thường trực;
b. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban Thường vụ, Ban Thường trực; quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hội;
c. Chuẩn bị báo cáo công tác 3 tháng, 6 tháng, dự thảo báo cáo công tác năm và nhiệm kỳ về hoạt động của Hội. Tố chức hậu cần, lễ tân và thư ký các phiên họp của Ban Chấp hành, ban thường vụ và ban thường trực Hội.

Điều 19. Văn phòng, các Ban chuyên môn, Trung tâm, Viện, Quỹ, trường học, Chi nhánh, Văn phòng đại diện ... (sau đây gọi tắt trong ngắn hạn là Ban, tổ chức trực thuộc Hội)
1. Các Ban của Hội:

a. Được thành lập hoặc giải thể theo Nghị quyết của ban Thường vụ Hội và quy định của pháp luật;
b. Tổ chức, điều hành, quản lý và phân công trong Ban do Trưởng Ban thực hiện theo quy chế hoạt động của Hội
2. Các tổ chức thuộc Hội
a. Được thành lập theo Quyết định ban thường vụ, quy định của pháp luật và điều lệ hội;
b. Cấp Trưởng và cấp Phó  của các tổ chức trực thuộc do Chủ tịch Hội bổ nhiệm, miễn nhiệm và theo đề nghị của Tổng thư ký hoặc thư ký.

Điều 20. Ban kiểm tra của HộiBan kiểm tra do Đại hội bầu Ban. Ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể. Ban kiểm tra họp thường kỳ giữa năm và kết thức 1 năm, họp bất thường khi cần.
Nhiệm kỳ của Ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành.
Nhiệm vụ của Ban kiểm tra:
1. Giám sát việc thi hành Điều lệ Hội, Nghị quyết của Đại hội và Ban chấp hành;
2. Kiểm tra việc thu, chi tài chính và sử dụng tài sản của Hội. Xem xét, giải quyết khiếu nại và tố cáo các hội viên của Hội để bảo đảm quyền làm chủ hội viên;
3. Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của các tổ chức, thành viên và tổ chức phụ thuộc;
4. Trường hợp kiểm tra một Ủy viên ban Chấp hành cùng cấp, thì phải sự ủy nhiệm của Ban thường vụ cấp đó;
5. Để giải quyết những tố cáo đối với hội viên, xử lý kịp thời sai phạm (nếu có).


Chương V
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA  HỘI

Điều 21. Tài chính của Hội
1. Nguồn thu của Hội:
a. Đóng góp từ các tổ chức thuộc Hội;
b. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí;
c. Hội phí do Hội viên đóng
d. Đóng góp ủng hộ của hội viên
đ. Thu từ các hoạt động quyên góp gây quỹ hợp pháp của Hội theo quy định của pháp luật.
e. Tiền và hiện vật ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước
g. khoản thu hợp pháp khác.
2. Chi tiêu của Hội:
a. Chủ yếu chi các hoạt động bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi;
b. chi công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Hội;
c. Chi hoạt động quản lý, tiền lương, phụ cấp của cán bộ;
d. Chi khen thưởng;
đ. Các hoạt động khác.

Điều 22. Tài sản của Hội
T
ài sản của Hội được xác định theo quy định của Pháp luật.

Điều 23. Quản lý tài chính và tài sản Hội
Tài chính và tài sản của Hội do Hội tự  quản lý và sử dụng đúng mục đích đúng theo quy định của pháp luật, quy chế hành động và quy chế tài chính của Hội và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 24. Khen thưởng
Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên cộng tác viên, tình nguyện viên, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho Hội được xem xét để khen thưởng, nếu có thành tích xuất sắc được đề nghị Nhà nước khen thưởng. Chế độ khen thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Xử lý vi phạm
Tổ chức Hội, cán bộ và các hội viên vi phạm Điều lệ, nghị quyết của Hội hoặc làm tổ hại đến uy tín, danh dự, tài sản, tài chính của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, không công nhận hội viên

Chương VII
THI HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI

Điều 26. Điều khoản thi hành
1. Điều lệ gồm 7 chương và 26 đã được thông qua bởi Đại hội Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ Việt Nam lần thứ III thông qua ngày 5 tháng 12 năm 2007.
2. Việc sửa đổi, bổ sung các Điều của Hội do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội quyết định.
3. Mọi tổ chức và các hội viên có trách nhiệm thực hiện các điều khoản này.
4. Ban Chấp hành Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ Hội.
5. Điều lệ này có hiệu lực từ ngày được Bộ Nội vụ quyết định công nhận.

Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 29/06/2010 của Quốc hội.

QUỐC HỘI
----------------
Luật số: 51/2010/QH12
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------
 LUẬT
NGƯỜI KHUYẾT TẬT
 
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật người khuyết tật.
 CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
2. Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
3. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
4. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
5. Giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
6. Giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
7. Sống độc lập là việc người khuyết tật được tự chủ quyết định những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính bản thân.
8. Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.
Điều 3. Dạng tật và mức độ khuyết tật
1. Dạng tật bao gồm:
a) Khuyết tật vận động;
b) Khuyết tật nghe, nói;
c) Khuyết tật nhìn;
d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần;
đ) Khuyết tật trí tuệ;
e) Khuyết tật khác.
2. Người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
b) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
c) Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
3. Chính phủ quy định chi tiết về dạng tật và mức độ khuyết tật quy định tại Điều này.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật
1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: 
a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; 
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật
1. Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.
2. Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
3. Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.
4. Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
5. Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
6. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.
7. Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
8. Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.
9. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.
10. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, trợ giúp về tài chính, kỹ thuật để thực hiện hoạt động chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân
1. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động xã hội trợ giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ xã hội, sống hòa nhập cộng đồng; tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật.
3. Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật.
Điều 8. Trách nhiệm của gia đình
1. Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.
2. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật;
b) Tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
c) Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình;
d) Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 9. Tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật
1. Tổ chức của người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên là người khuyết tật, tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
2. Tổ chức vì người khuyết tật là tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Điều 10. Quỹ trợ giúp người khuyết tật
1. Quỹ trợ giúp người khuyết tật là quỹ xã hội từ thiện nhằm huy động nguồn lực trợ giúp người khuyết tật.
2. Quỹ trợ giúp người khuyết tật được hình thành từ các nguồn sau đây:
a) Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
b) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
c) Các khoản thu hợp pháp khác.
3. Quỹ trợ giúp người khuyết tật được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Ngày người khuyết tật Việt Nam
Ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Điều 12. Hợp tác quốc tế về người khuyết tật
1. Hợp tác quốc tế về người khuyết tật được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế về người khuyết tật bao gồm:
a) Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế về người khuyết tật;
b) Tham gia tổ chức quốc tế; ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến người khuyết tật;
c) Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
Điều 13. Thông tin, truyền thông, giáo dục
1. Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
2. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật bao gồm:
a) Quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật;
b) Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật;
c) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình đối với người khuyết tật;
d) Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật;
đ) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
3. Thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, thiết thực; phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội.
4. Trách nhiệm thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật:
a) Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật; 
b) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật cho nhân dân trên địa bàn địa phương;
c) Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về dung lượng, vị trí đăng trên báo in, báo điện tử; về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật trên đài phát thanh, đài truyền hình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.
2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.
4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật.
7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.

CHƯƠNG II
XÁC NHẬN KHUYẾT TẬT

Điều 15. Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật
1. Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.
2. Trong các trường hợp sau đây thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định y khoa thực hiện:
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
3. Trường hợp đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì việc xác định mức độ khuyết tật theo quy định của Chính phủ.
Điều 16. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thành lập.
2. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng;
b) Trạm trưởng trạm y tế cấp xã;
c) Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội;
d) Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã;
đ) Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.
3. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức và chủ trì hoạt động của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể. Cuộc họp của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số thành viên của Hội đồng tham dự. Kết luận của Hội đồng được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Kết luận của Hội đồng được thể hiện bằng văn bản do Chủ tịch Hội đồng ký. 
4. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật.
5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Điều 17. Phương pháp xác định mức độ khuyết tật
1. Việc xác định mức độ khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết khoản này.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này.
Điều 18. Thủ tục xác định mức độ khuyết tật
1. Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
3. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.
5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ xác định mức độ khuyết tật quy định tại Điều này.
Điều 19. Giấy xác nhận khuyết tật
1. Giấy xác nhận khuyết tật có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người khuyết tật;
b) Địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật;
c) Dạng khuyết tật;
d) Mức độ khuyết tật.
2. Giấy xác nhận khuyết tật có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc đổi, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật.
Điều 20. Xác định lại mức độ khuyết tật
1. Việc xác định lại mức độ khuyết tật được thực hiện theo đề nghị của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật.
2. Trình tự, thủ tục xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này.

CHƯƠNG III
CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Điều 21. Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú
1. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;
c) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.
2. Kinh phí để thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Điều 22. Khám bệnh, chữa bệnh
1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp.
2. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám bệnh, chữa bệnh.
4. Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật.
Điều 23. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Thực hiện biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp cho người khuyết tật.
2. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3. Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
4. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Điều 24. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng
1. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng là cơ sở cung cấp dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
2. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bao gồm:
a) Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng;
b) Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng;
c) Bệnh viện điều dưỡng, phục hồi chức năng;
d) Khoa phục hồi chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 
đ) Bộ phận phục hồi chức năng của cơ sở bảo trợ xã hội;
e) Cơ sở khác.
3. Việc thành lập và hoạt động của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đối với cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng công lập.
Điều 25. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
1. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp thực hiện tại cộng đồng nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật.
2. Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
3. Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
4. Cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng có trách nhiệm tham gia hướng dẫn hoạt động chuyên môn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Điều 26. Nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật
1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo dự án cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học về người khuyết tật, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên về chỉnh hình, phục hồi chức năng.
2. Cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
3. Dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và lao động cho người khuyết tật từ chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng, hỗ trợ được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

CHƯƠNG IV
GIÁO DỤC

Điều 27. Giáo dục đối với người khuyết tật
1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
2. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
3. Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Điều 28. Phương thức giáo dục người khuyết tật
1. Phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt.
 2. Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật.
  Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
3. Người khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân người khuyết tật. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân.
Nhà nước khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Điều 29. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên hỗ trợ giáo dục
1. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia giáo dục người khuyết tật, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu giáo dục người khuyết tật.
2. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia giáo dục người khuyết tật, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Điều 30. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục
1. Bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp đối với người khuyết tật, không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật.
2. Thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Điều 31. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
1. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật.
2. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có nhiệm vụ sau đây:
a) Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
b) Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
c) Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
d) Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng;
đ) Cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
3. Việc thành lập và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải bảo đảm điều kiện sau đây:
a) Có cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật;
b) Có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật;
c) Có nội dung chương trình giáo dục, bồi dưỡng và tài liệu tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập hoặc cho phép thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quy định tại khoản 3 Điều này.

CHƯƠNG V
DẠY NGHỀ VÀ VIỆC LÀM

Điều 32. Dạy nghề đối với người khuyết tật
1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.
2. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.
3. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
4. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Việc làm đối với người khuyết tật
1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.
2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
5. Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật.
6. Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
Điều 34. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
Điều 35. Chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc
1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 34 của Luật này.
2. Chính phủ quy định chi tiết chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc quy định tại khoản 1 Điều này.

CHƯƠNG VI
VĂN HÓA, THỂ DỤC, THỂ THAO, GIẢI TRÍ VÀ DU LỊCH

Điều 36. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật
1. Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.
2. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ.
3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.
4. Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.
Điều 37. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật
1. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật được lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng, được tổ chức đa dạng về loại hình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật.
2. Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, giải thi đấu thể thao, hội thi văn nghệ của người khuyết tật được tổ chức phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người khuyết tật và điều kiện kinh tế - xã hội.
Điều 38. Trách nhiệm của cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch  
1. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trợ giúp và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tham gia sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao, giải trí và du lịch; bố trí nhân lực, phương tiện, công cụ hỗ trợ người khuyết tật khi tổ chức những hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.
2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
3. Dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch của người khuyết tật phải bảo đảm an toàn, thuận tiện và phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.

CHƯƠNG VII
NHÀ CHUNG CƯ, CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG,
     GIAO THÔNG, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 39. Nhà chung cư và công trình công cộng
1. Việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận.
2. Nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội được xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật phải được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm điều kiện tiếp cận theo lộ trình quy định tại Điều 40 của Luật này.
Điều 40. Lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng
1. Đến ngày 01 tháng 01 năm 2020, các công trình công cộng sau đây phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật:
a) Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
b) Nhà ga, bến xe, bến tàu;
c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
d) Cơ sở giáo dục, dạy nghề;
đ) Công trình văn hóa, thể dục, thể thao.
2. Đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện lộ trình cải tạo đối với từng loại công trình quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 41. Tham gia giao thông của người khuyết tật
1. Phương tiện giao thông cá nhân của người khuyết tật khi tham gia giao thông phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe của người khuyết tật. Phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển thì người khuyết tật được học và cấp giấy phép điều khiển đối với phương tiện đó.
2. Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp.
3. Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ.
4. Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Điều 42. Phương tiện giao thông công cộng
1. Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.
2. Phương tiện giao thông công cộng để người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Đơn vị tham gia vận tải công cộng phải đầu tư và bố trí phương tiện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.
4. Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi sản xuất, nhập khẩu.
Điều 43. Công nghệ thông tin và truyền thông
1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật.
2. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật.
Đài truyền hình Việt Nam có trách nhiệm thực hiện chương trình phát sóng có phụ đề tiếng Việt và ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn, tài liệu đọc dành cho người khuyết tật nghe, nói và người khuyết tật trí tuệ.

 
CHƯƠNG VIII
BẢO TRỢ XÃ HỘI

Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Điều 45. Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:
a) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;
b) Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
c) Mua thẻ bảo hiểm y tế;
d) Mua thuốc chữa bệnh thông thường;
đ) Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
e) Mai táng khi chết;
g) Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
3. Chính phủ quy định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này.           
 Điều 46. Chế độ mai táng phí
Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Chính phủ quy định mức hỗ trợ chi phí mai táng.
Điều 47. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật.
2. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
a) Cơ sở bảo trợ xã hội;      
b) Cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật;
c) Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập;
d) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.
3. Chính phủ quy định điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
4. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người khuyết tật công lập.
Điều 48. Trách nhiệm của cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Tuân thủ điều kiện hoạt động của cơ sở chăm sóc người khuyết tật; thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật tương ứng với từng loại cơ sở.
2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

 CHƯƠNG IX
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN
NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Điều 49. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật 
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật. 
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật.
Điều 50. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật;
b) Chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật; chương trình, đề án, kế hoạch về công tác người khuyết tật;
c) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành thủ tục, hồ sơ, thời gian và quy trình giải quyết chế độ trợ cấp xã hội, chế độ mai táng phí; quy trình, thủ tục, hồ sơ tiếp nhận và điều kiện dừng nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;
d) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác người khuyết tật; cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc, nhân viên phục hồi chức năng, cán bộ chuyên trách của tổ chức người khuyết tật;
đ) Quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, nhân viên chăm sóc người khuyết tật trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;
e) Đào tạo nghiệp vụ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác người khuyết tật và nhân viên chăm sóc người khuyết tật tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc người khuyết tật;
g) Xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về người khuyết tật và công tác người khuyết tật;
h) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về người khuyết tật;
i) Thực hiện hợp tác quốc tế về người khuyết tật;
k) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật;
l) Thực hiện khảo sát, thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin, định kỳ công bố báo cáo về người khuyết tật;
m) Quy hoạch và quản lý hệ thống cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng và cơ sở chăm sóc người khuyết tật thuộc thẩm quyền.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe người khuyết tật;
b) Chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết hoạt động phục hồi chức năng người khuyết tật; đào tạo về phục hồi chức năng; thực hiện chương trình phòng ngừa khuyết tật; hướng dẫn thực hiện phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với người khuyết tật.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với người khuyết tật;
b) Quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật;
c) Thực hiện quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập;
d) Đào tạo giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục, biên soạn chương trình, tài liệu, giáo trình và sách giáo khoa áp dụng cho người học là người khuyết tật; chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật;
đ) Chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người khuyết tật.
5. Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nhà ở chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, các công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.
8. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật sử dụng.
9. Bộ Tài chính bố trí ngân sách thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án trợ giúp người khuyết tật; bố trí ngân sách điều tra, khảo sát và thống kê người khuyết tật theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt các dự án nhà nước đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng người khuyết tật; chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra, khảo sát và thống kê người khuyết tật.
11. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác người khuyết tật; lồng ghép công tác người khuyết tật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người khuyết tật.

CHƯƠNG X
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 51. Áp dụng pháp luật
1. Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định.
2. Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất.
3. Người khuyết tật đang được hưởng chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này.
Điều 52. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
2. Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 53. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010.



CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
  

Nguyễn Phú Trọng