Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011



Từng sống và làm việc ở Việt Nam, Michael Palmer (ảnh) - một người Australia - dành nhiều tình cảm với Việt Nam. Trở về Australia để hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia, Michael vẫn băn khoăn về tình trạng của những gia đình có thành viên bị khuyết tật ở Việt Nam.
* Điều gì khiến anh ấn tượng nhất ở Việt Nam?
- Tôi sinh sống và làm việc tại VN cũng được 4 năm, đã đi từ Nam ra Bắc, gặp gỡ nhiều người với nhiều hoàn cảnh, tôi đặc biệt quan tâm tới những người khuyết tật (NKT) tại VN. Trong thời gian thực tập tại Trường Y tế công cộng Hà Nội năm 2007, tôi đã phỏng vấn 27 hộ gia đình có thành viên bị khuyết tật ở hai xã Sao Đỏ và Lê Lợi thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tôi rất xúc động, các gia đình ấy đã hợp tác với tôi và mời tôi vào nhà một cách chân thành. Họ trả lời các câu hỏi của tôi một cách cởi mở và chất phác. Nhiều câu chuyện của họ làm tôi không thể quên: Một ông bố mỗi ngày sau giờ làm việc chở con gái khiếm thính trên xe máy lên trung tâm cách xa nhà một tiếng đồng hồ để đi châm cứu; một em bé 14 tuổi phải nghỉ học đi nhặt củi trong rừng để góp một phần lao động cho gia đình; một bà cụ 60 tuổi phải thức dậy 2-3 lần trong đêm suốt 35 năm để đưa con gái đi vệ sinh...
* Qua nghiên cứu, anh thấy lo ngại nhất về vấn đề gì trong cuộc sống của NKT ở Việt Nam?
- Công việc của tôi liên quan đến tình hình kinh tế của những hộ gia đình có NKT. Từ những nghiên cứu, khảo sát tại huyện Chí Linh, tôi thấy NKT có tỉ lệ nghèo (tính theo thu nhập) và có chi phí y tế cao hơn so với những người bình thường. Những hộ gia đình có người lao động chính bị khuyết tật nặng có nguy cơ thiếu thu nhập cao nhất. Trong nhà chỉ có một người lao động nên rất khó để nuôi dạy con cái, đặc biệt là chi trả học phí cho chúng. Vấn đề chính cho đa số hộ gia đình có NKT là chi phí y tế.
Chúng tôi đã phỏng vấn một số hộ gia đình với chi phí y tế cho NKT lên đến 100 triệu đồng (trong khi lương một tháng chưa quá 1 triệu đồng) - tương đương hơn 8 năm làm việc. Với số tiền lớn như thế, họ không có khả năng để tự chi trả, thậm chí không thể vay họ hàng hay người quen, chứ đừng nghĩ đến việc phải vay ngân hàng với lãi suất cao, khiến tình hình kinh tế gia đình tồi tệ hơn và không thể thoát khỏi cảnh nghèo.
Thiếu thu nhập cùng với chi phí y tế cao, điều này trở thành tai hoạ tài chính cho những hộ gia đình có NKT. Tự trách mình là gánh nặng của gia đình rất ảnh hưởng đến tinh thần của thanh niên khuyết tật. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ chi phí y tế và trợ cấp dành cho họ.
* Nhưng Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT!
- Tôi biết Chính phủ VN đã có nhiều luật liên quan đến các nhóm đối tượng có nguy cơ nghèo đói cao nói chung và NKT nói riêng. Chính sách bảo trợ dành cho NKT là đúng đắn và quan tâm đến những nhu cầu chính của họ là vấn đề thiếu thu nhập và chi phí y tế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, trợ cấp hằng tháng cho NKT tại VN quá thấp.
Còn bảo hiểm y tế thì chưa đủ chi trả chi phí nằm viện và thuốc men. Kết quả này cùng với cuộc điều tra y tế quốc gia cho thấy rằng tỉ lệ tiếp cận những bệnh viện cấp cao (cấp tỉnh và trung ương) ở NKT cao hơn so với những người bình thường. Chi phí y tế nội trú của những NKT có thẻ bảo hiểm cao gần gấp 3 lần so với những người bình thường có thẻ bảo hiểm.  
Với các hộ gia đình mà chúng tôi đã phỏng vấn, trách nhiệm của họ nằm ở việc chăm sóc NKT và họ rất cần sự giúp đỡ về mặt tài chính. Nhiều nghiên cứu cho thấy, rõ ràng NKT là đối tượng hay bị xã hội phân biệt. Những chính sách bắt buộc người dân đóng góp, quyên tiền giúp đỡ người nghèo và khuyết tật sẽ khiến sự phân biệt xã hội tồi tệ hơn; vì NKT sẽ bị coi là đối tượng nhận cứu tế xã hội.
Theo tôi, VN cần điều chỉnh một số chính sách cụ thể hơn để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của những hộ gia đình có NKT. Tôi xem VN như là quê hương thứ hai nên luôn hy vọng sẽ có dịp trở lại và được gặp lại các bạn VN, đặc biệt là các bạn khuyết tật.
    Thoan Thoan thực hiện