Hôm nay, 18-4, là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Dịp này, trên cả nước có nhiều hoạt động quan tâm đến người khuyết tật (NKT). Nước ta hiện có khoảng 5,3 triệu NKT và trẻ mồ côi, chiếm 7% số dân. Trong đó, có 1,1 triệu NKT nặng, bao gồm NKT về vận động, thần kinh, thị giác. Tỷ lệ NKT nam cao hơn nữ do các nguyên nhân chiến tranh, tai nạn lao động, và dự báo, con số này có thể còn tăng do tai nạn giao thông, thương tích.
Ðể tạo điều kiện giúp NKT tự chủ trong cuộc sống, từ năm 2006, ngay sau khi Công ước quốc tế về quyền của NKT được Liên hợp quốc thông qua, nước ta đã ký tham gia, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong xây dựng chính sách đối với NKT. Ðảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp NKT, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của NKT từng bước được cải thiện, xã hội đã có những thay đổi cơ bản về thái độ đối với NKT. Thực tế cho thấy, nhiều NKT rất có nghị lực, vượt qua được khó khăn, thách thức của bản thân, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 cơ sở chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng NKT, hơn một triệu NKT đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, hơn 30 nghìn người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 100% số NKT thuộc hộ gia đình nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Mặc dù có những tiến bộ về nhận thức đối với NKT, song có lúc, có nơi, cộng đồng xã hội vẫn nhìn nhận về NKT chưa đúng mức. Vẫn còn hiện tượng NKT bị kỳ thị, phân biệt đối xử. NKT còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giao thông công cộng, học tập, vui chơi giải trí, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương do điều kiện khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe NKT tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Ðể khắc phục những hạn chế của hệ thống chính sách, pháp luật đối với NKT, đồng thời để NKT thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII đã thông qua Luật NKT và Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa Luật NKT vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục phục vụ NKT trong giao thông, chăm sóc sức khỏe, làm việc. Khuyến khích, động viên các tổ chức, tập thể cá nhân có lòng hảo tâm nhận dạy nghề và giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho NKT có thu nhập, ổn định cuộc sống. Những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác này cần được tuyên dương, khen thưởng. Các tấm gương NKT vươn lên thành công trong cuộc sống rất cần được các cơ quan chức năng động viên, giúp đỡ và nhân rộng để làm tấm gương cho NKT khác noi theo.
Trợ giúp NKT vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực luôn là nguồn động viên lớn lao, giúp NKT nỗ lực rèn luyện, lao động, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
TRỊNH SƠN