Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Thư gửi người khuyết tật Việt Nam

Tôi viết bức thư này không phải để nói với các bạn những điều gì nên làm và những điều gì không nên làm cho chính bản thân các bạn. Các bạn chính là người sẽ làm cho xã hội phải có cách nhìn nhận khác nhau về mình và cũng chính các bạn sẽ là người chứng minh cho thế giới này biết rằng mình có thể làm được những việc gì. Khi tôi bắt đầu viết bức thư này, tôi cũng không biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu viết như thế nào. Tôi là một người may mắn nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã không trải qua những lúc khó khăn. Cuộc đời không ai nói trước được điều gì và chúng ta nên đón nhận mọi thứ khi nó đến cho dù đó có thể là điều tồi tệ nhất.
Giờ đây tôi đang theo học chuyên ngành Quốc tế học tại trường đai học Oregon, thành phố Eugene, Hoa Kỳ. Hiện tại, tôi đang học một môn có tên tạm dịch là “Những nhìn nhận khác nhau về vấn đề người khuyết tật trên toàn cầu” “Global perspectives on Disabilities”. Khoá học này do cô Susan Gygall giảng và tôi thực sự đã rất ngỡ ngàng khi đọc và tìm hiểu về những tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của những người khuyết tật ở khắp nơi trên thế giới. Khi đi học xa nhà, tôi mới nhận ra rằng thời gian ở nhà, mình đã chưa làm được gì nhiều cho gia đình, cho người thân và cho xã hôi.
Được học tập ở một nước phát triển, tôi đã gặp những người già và những người khuyết tật ngồi trên xe lăn và thấy họ đi khắp thành phố và trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội. Viết đến đây tôi lại nghĩ về bà nội tôi. Bà đã phải ngồi trên xe lăn đến nay là hơn 10 năm rồi và rất hiếm khi tôi đưa bà ra khỏi nhà để đi dạo. Điều đó có một phần là do điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã không cho phép nhưng đó cũng chính là vòng xoáy của cuộc đời đã kéo tôi vào những ngày tháng làm việc không mệt mỏi để kiếm tiền nuôi sống bản thân mình và gia đình. Tôi cũng không dám nói là mình đã hiểu được những suy nghĩ của các bạn bởi không ai hiểu mình bằng chính mình. Tôi phải thú nhận rằng mình đã rất vô tâm đối với các bạn và đối với những vấn đề của xã hội. Trong thời gian theo học khoá học này, đã có rất nhiều người hỏi tôi về tình hình người khuyết tật tại Việt Nam. Họ hỏi về những điều kiện mà xã hội dành cho người khuyết tật với những câu hỏi rất đơn giản nhưng để tìm ra câu trả lời lại là một điều không hề đơn giản chút nào. Những câu hỏi đai loại như: Người khuyết tật ở Việt Nam có ra đường và tham gia các hoạt động xã hội không? Các toà nhà ở Việt Nam có đường dành cho người đi xe lăn không? Nhà vệ sinh có được thiết kế cho người khuyết tật không? Xe buýt có chỗ dành cho người khuyết tật đi xe lăn không? Tỷ lệ người khuyết tật được đi học là bao nhiêu và bao nhiêu phần trăm người khuyết tật học được ở trình độ đại học? Xã hội nhìn nhận vấn đề người khuyết tật là như thế nào?… Và còn rất nhiều câu hỏi khác mà bản thân tôi không thể trả lời được. Tôi hiểu nhà nước Việt Nam cũng đã dành rất nhiều sự quan tâm và các chính sách xã hội cũng đã có nhiều ưu đãi đối với người khuyết tật nhưng liệu như thế có đủ không và đó cũng chỉ là cách làm xuất phát từ quan điểm của những người không bị khuyết tật mà thôi.
Còn các bạn thì sao? Các bạn có muốn hàng ngày tự mình đi đến công sở hay nơi làm việc bằng chính bản thân mình không? Các bạn có muốn khi mình đi ra đường không bắt gặp phải những ánh mắt lạ lẫm nhìn mình như một người không bình thường không? Các bạn có muốn xã hội nhìn mình một cách bình đẳng như những người bình thường mà không phải là những ánh mắt xót thương không? Đã bao giờ các bạn tự đặt câu hỏi là tại sao ở Việt Nam phải có các trường đặc biệt dành cho người khuyết tật mà không phải là việc học tập cùng với những người bình thường? Tại sao mình lại không ra ngoài mà lại tự thu mình và cách biệt với thế giới bên ngoài? Tại sao vấn đề người khuyết tật thường gắn với vấn đề từ thiện? Còn rất nhiều câu hỏi tại sao và tại sao và tại sao mà tôi không thể nghĩ ra trong lúc này được, và cũng thật buồn cười khi tự tôi đặt ra những câu hỏi này khi mà điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam đang còn gặp rất nhiều khó khăn và Việt Nam chỉ mới thực sự có những đổi thay to lớn từ những ngày sau Đổi Mới. Nhưng nói như thế không có nghĩa là những người khuyết tật không có quyền đòi hỏi những gì xứng đáng thuộc về bản thân mình. Chúng ta đang thấy rất nhiều công trình xây dựng đang mọc lên ở Việt Nam với những toà nhà cao ốc. Các bạn thử đến những nơi đấy tìm hiểu xem các toà nhà đấy có đường dành cho người khuyết tật đi xe lăn không? Các bạn thử đến những công sở của nhà nước hay các công ty tư nhân xem có đường đi nào để các bạn có thể tự mình đi mà không cần ai giúp không? Với những nơi mà những toà nhà đã xây dựng từ trước đây thì tôi không nói tới nhưng với những nơi đang xây dựng thì xây thêm một đường cho người tàn tật liệu có tốn hơn không? Tôi tin là sẽ chẳng tốn thêm một đồng xu nào cả, mà vấn đề là những người thiết kế có nhận thức được sự hiển diện của các bạn khi đặt bút thiết kế những toà nhà đấy hay không mà thôi. Ngoài ra còn những công viên, những địa điểm vui chi công cộng nữa, xây thêm những đường đi dành cho người khuyết tật có làm cho bộ mặt thành phố xấu đi không hay sẽ đem lại hạnh phúc hơn cho mọi người. Hàng ngày đi đường, tôi vẫn chứng kiến những cuộc đào đường của các công ty điện, nước, điện thoại… và công ty cầu đường sửa đường với số tiền khổng lồ nhưng các bạn có nhận ra là nếu ngồi trên xe lăn thì không thể đi được trên các vỉa hè vì mỗi đoạn cắt đều không có đường đi xuống không? Tất cả các vấn đề đấy đều chỉ có thể được giải quyết từng bước từng bước một nếu chính các bạn, những người khuyết tật phải lên tiếng.
Còn nhiều điều khác nữa mà bản thân tôi không thể cứ hỏi mãi được bởi tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi chính mình cũng chỉ biết nói mà chưa làm được gì cả. Trước đây, những người nô lệ da đen làm cách mạng đâu có phải là để đòi làm người da trắng, các cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ đâu có phải là để đòi trở thành nam giới đâu mà là để khẳng định chính mình đấy chứ, người Việt đứng lên chống lại sự xâm lược của đế quốc đâu có phải chỉ vì kết cục là chiến thắng mà còn để khẳng định quyền làm người, quyền tự do và quyền tự quyết cho những vấn đề của chính dân tộc mình. Các bạn cũng vậy, nếu các bạn, bằng những hành động của mình, làm cho xã hội nhìn nhận bản thân mình khác đi cũng đâu có phải là để biến mình thành người không bị khuyết tật mà là để khẳng định giá trị của mình và khẳng định sự hiển diện của mình trong sự phát triển chung của xã hội. Qua tivi và sách báo, tôi cũng biết có nhiều người khuyết tật đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình để tự chiến thắng bản thân mình nhưng các bạn có tự hỏi con số đấy là bao nhiêu chưa? Hay đó chỉ là những điển hình mà thôi? Có rất nhiều chương trình hỗ trợ của các quỹ quốc tế và trong nước nhưng những điều đó cũng chỉ là những con cá mà thôi trong khi điều các bạn cần lại là những chiếc cần câu cá mà.
Viết đến đây tôi cũng không biết mình có làm cho các bạn bực mình hay giận tôi hay không nhưng nếu có thì đó chính là điều tôi mong đợi. Tôi không viết để chia xẻ cảm thông của tôi với các bạn mà tôi viết để chất vấn bản thân mình, để chất vấn chính các bạn và chất vấn cả xã hội nữa. Tôi không có mong muốn làm điều gì quá sức của mình nhưng tôi có mong muốn làm những gì mà mình có thể làm và tôi hy vọng các bạn cũng vậy. Tôi sẽ về nước vào năm 2005 và tôi sẽ là một trong số những người ủng hộ các bạn. Xin chào và hy vọng chúng ta sẽ có thể thấy được những đổi thay trong tương lai gần. Chúc các bạn thành công.
Nguyễn Thanh Hải
Sinh viên cao học
Trường đại học Oregon, thành phố Eugene, bang Oregon, Hoa Kỳ
Theo: PORTAL.PWD.VN