Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Một đời gian truân


 
Sau lần bị té gãy chân cách đây mấy tháng, bà Hai (95 tuổi) không còn đủ  sức để đi lại. Suốt ngày, bà nhốt mình trong căn nhà bé tí, ngột ngạt. Ai  cho gì ăn đó, sống nhờ lòng thương của bà con lối xóm. Cuộc đời của bà  Hai là cả chuỗi ngày buồn tủi, đơn độc. 
Căn nhà của bà Võ Thị Hai (khu phố 14, phường Phú Cường, TP.TDM) nằm khuất trong một con hẻm nhỏ. Có thể nói, đây là căn nhà nhỏ nhất mà tôi từng được thấy, có tổng điện tích khoảng chừng 5m2. Căn nhà chỉ đủ kê tạm cái giường cùng vài vật dụng sinh hoạt nhỏ bé. Cái giường vừa là nơi để bà ngủ nghỉ, cũng là nơi tiếp khách, dùng làm bàn ăn, bàn trầu. Tù túng, chật chội và ẩm mốc đến mức khó thở, nhưng bà Hai đã gắn bó với nó hàng chục năm nay.
Bà Hai quê ở Bình Đại, Bến Tre. Năm 16 tuổi, bà lên Bình Dương tìm đường lập nghiệp, ở nhờ nhà người anh bà con. Và chính bà cũng không ngờ lần xa quê ấy đã vĩnh viễn không trở lại. Bà kể, sau khi lên Bình Dương được 2 năm thì lấy chồng, ông ấy làm ở bưu điện. Cuộc sống khá hạnh phúc, nhưng 2 người không có con. Năm bà tròn 37 tuổi thì chồng qua đời. Cũng năm ấy, bà theo hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước giải phóng. Bà từng chiến đấu ở nhiều chiến trường như Sông Bé, Biên Hòa, An Phú Đông... “Tôi học ít, nên chẳng hiểu biết nhiều. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi đã làm thất lạc giấy tờ. Sau này, những người cùng thế hệ cũng đã già và chết, nên công lao không được ghi nhận”, bà Hai tâm sự.
 
 Căn nhà nhỏ của bà Hai không đủ chỗ cho 2 người khách

Nhớ lại những tháng ngày dài, bà Hai sụt sùi nước mắt. Gương mặt khô héo của bà lại càng buồn hơn. Bà cho biết, căn nhà ngày trước là cái chuồng heo cũ của một người tốt bụng, cho bà che chắn ở tạm. Sau này được xây tường kín đáo, rồi trở thành nhà. Ngày qua ngày, bà sống bằng công việc làm thuê, ai kêu gì làm đó. Khi thì giặt ủi, rửa chén ở chợ; có khi lại đi bưng bê, gánh nước, nhổ cỏ. Không ít lần bà cũng đã dành dụm được chút đỉnh để về thăm quê hương, người thân. Nhưng nghĩ lại cha mẹ đã mất, những người cùng trang lứa chẳng còn ai. Cứ chần chừ hết lần này đến lần khác và ý định một lần về thăm quê của bà nhanh chóng bị tuổi già đánh cắp. Hiện tại trí nhớ của bà còn minh mẫn, nhưng sức đã tàn.
 
Ăn trầu, thú vui duy nhất của bà Hai

Đã nhiều năm nay, bà Hai sống nhờ vào tiền trợ cấp người già của phường, nên không thể tránh khỏi bữa đói bữa no. Đặc biệt, những lúc ốm đau như hiện tại thì càng khó khăn gấp bội, chỉ nhờ vào lòng tốt của bà con lối xóm. Bà rất cần được sự mở rộng vòng tay từ các nhà hảo tâm.

Bế tắc nhìn con chống chọi với bệnh ung thư máu


Nhìn vẻ hồn nhiên của bé Trương Đình Nam khi chơi đùa với các bạn cùng xóm trọ không ai nghĩ rằng cháu đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác. Căn bệnh hiểm nghèo đang dần cướp đi tuổi thơ trong sáng của cháu, cướp đi cuộc sống bình yên, hạnh phúc của gia đình cháu và cũng có thể cướp đi tính mạng của cháu, một đứa trẻ thông minh và xinh xắn nếu cháu không được kịp thời cứu chữa...
Đã nghèo lại gặp cái eo
Chúng tôi tìm đến xóm trọ ở địa chỉ 21/7A, khu phố Thống Nhất, TX.Dĩ An, nơi gia đình anh Trương Đình Thái và chị Lưu Thị Xen sinh sống vào lúc tối mịt vì ban ngày anh chị phải cho cháu lên Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để chạy chữa. Chị hàng xóm bảo chúng tôi: “Ngồi chờ một chút. Hôm nay hai vợ chồng đi xe buýt nên về hơi trễ. Chiếc xe máy, phương tiện đi lại hàng ngày và là tài sản cuối cùng đã bị đem đi cầm hôm qua rồi. Đi lại vất vả thế nhưng ngày nào vợ chồng nó cũng đưa con về vì trong bệnh viện thì không có chỗ ở mà thuê nhà thì 100.000 đồng/ngày, tiền đâu mà chịu cho nổi”. Anh Thái sinh năm 1982, quê Yên Bái là người dân tộc Dao. Anh chị gặp và yêu nhau khi anh đang đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh chị lấy nhau và cùng nhau rời quê hương vào Bình Dương lập nghiệp. Anh chị được nhận vào làm công nhân một công ty gỗ tại KCN Sóng Thần. Đến năm 2009, anh chị sinh được đứa con trai đầu lòng rất kháu khỉnh là cháu Trương Đình Nam. Dù cuộc sống có hơi khó khăn nhưng gia đình nhỏ của anh chị rất hạnh phúc và luôn tràn ngập tiếng cười. Số phận nghiệt ngã, niềm vui của anh chị chưa được trọn vẹn thì cháu Nam phát bệnh, cháu liên tục sốt cao 39 - 40 độ, sau bao nhiêu tháng chuyển hết bệnh viện này sang bệnh viện khác để hội chẩn, ngày 9-10-2011, các bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu, lúc đó cháu mới vừa tròn 2 tuổi.
 
Gia đình anh Thái đang bế tắc nhìn con chống chọi với căn bệnh ung thư

Từ ngày Nam bị bệnh, cuộc sống của gia đình anh chị cũng kiệt quệ dần theo những toa thuốc đắt đỏ và những lần vô hóa chất của cháu. Lúc đầu vợ chồng thay phiên nhau xin nghỉ phép để lên viện chăm sóc con, nhưng những hôm cháu phải vô hóa chất hay chọc tủy thì phải có hai người, một người chăm cháu còn một người chạy ra chạy vô theo những yêu cầu của bác sĩ. Bữa làm bữa nghỉ như vậy nên cả anh và chị đều bị công ty cho nghỉ việc nên không có thu nhập. Bây giờ, hôm nào cháu Nam điều trị nhẹ thì một mình chị Xen ở lại chăm sóc con còn anh Thái tranh thủ chạy vể xin đi làm phụ hồ hoặc ai thuê gì làm nấy. Cả hai bên gia đình nội ngoại nghe tin cháu bị bệnh cũng dốc hết tiền bạc gửi vào lo cho cháu nhưng vẫn như muối bỏ bể. Vì dốc hết tiền lo thuốc thang cho cháu nên kinh tế gia đình ngày càng cạn kiệt, nghèo nàn. Chính quyền địa phương đã xét duyệt cho gia đình anh thuộc “Hộ nghèo đặc biệt”. Đã vậy, ông nội cháu lại là thương binh hạng 3/4, mất sức lao động 63%, do vết thương mang trên mình nên thường xuyên đau ốm. Cứ thế hai vợ chồng anh Thái đang ngày đêm cùng con chiến đấu với bệnh tật trong miên man những nỗi lo và nhờ vào những bữa cơm từ thiện của cộng đồng giúp đỡ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh chị, bà con hàng xóm cũng rất thương, chủ nhà trọ cũng bớt tiền thuê nhà cho anh chị. Biết anh chị cần tiền nên mọi thứ trong nhà đều bị đem đi bán hết nên cách đây mấy hôm có một chú chuyên đi mua đồ điện tử cũ mua được cái đầu đĩa còn rất tốt với giá 300.000 đồng, chú đem qua tặng cho bé Nam để cháu coi ca nhạc cho đỡ buồn.
“Chú lính chì” bé nhỏ
Đáng thương nhất vẫn là cháu Nam. Nhìn cháu bi bô nói cười ít ai ngờ được cháu phải chịu bao nhiêu đớn đau trong suốt một năm qua. Những lần vô hóa chất, tóc và lông mày, lông mi cháu rụng hết nhìn rất đáng thương. Nhìn thân hình cháu mũm mĩm không ai nghĩ cháu bị bệnh nặng như vậy, cháu mập như vậy là do trong các toa thuốc cháu điều trị hàng ngày có chất dexamethasone nên cơ thể cháu bị phù vì trữ nước. Anh Thái kể: “Bữa nay còn đỡ, chứ có bữa cái tay nó sưng to như cái ấm pha trà lớn ấy. Bữa trước chân cháu còn bị liệt nữa”. Cứ một tháng cháu phải vô hóa chất một toa, một toa như vậy hết mấy ngày. Đó là chưa kể một tuần cháu bị chọc tủy một lần, rồi truyền máu, tiêm thuốc... không lúc nào cơ thể cháu không có những vết bầm tím. Mẹ cháu vừa khóc vừa kể: “Thương nhất là mỗi lần chọc tủy, mình là người lớn mà còn không chịu nổi huống chi cháu chỉ mới 3 tuổi. Vậy mà như biết thương ba, thương mẹ và biết hoàn cảnh bệnh tật của mình nên mỗi lần chọc tủy là cháu tự động nằm úp mặt xuống, chổng mông lên cho hai đầu gối ép sát vào ngực để cho các đốt xương lòi ra cho bác sĩ chọc lấy tủy. Cháu chỉ khóc thét lên lúc đó vì quá đau rồi sau đó lại ngoan ngoãn nằm im cho các bác sĩ điều trị. Cứ mỗi lần nhìn thấy con như vậy là cả hai vợ chồng lại không thể nào cầm được nước mắt. Bác sĩ nói rằng căn bệnh này phải điều trị lâu dài và rất tốn kém. Bây giờ chúng tôi cũng không biết phải làm như thế nào nữa, tiền thì không còn mà bỏ con ở lại đi làm thì không đành lòng”.
Vừa rồi, do hoàn cảnh bế tắc và không còn tiền chữa trị nên vợ chồng anh Thái đã đưa cháu về quê. Nhưng các bác sĩ và những người cùng cảnh ngộ với gia đình anh ở Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) gọi điện khuyên anh chị đưa cháu vào tiếp tục điều trị vì “còn nước còn tát”, trong khi tỷ lệ chữa khỏi bệnh cho cháu Nam là rất cao. Thương con, anh chị lại tiếp tục đưa cháu vào. Giờ đây, trước mắt vợ chồng anh là đứa con trai đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau bệnh tật, là số tiền lớn được ghi dưới mỗi toa thuốc, là muôn vàn những khó khăn chồng chất... Nhưng mỗi ngày bên những bữa cơm từ thiện của cộng đồng, anh chị vẫn đang tiếp tục hy vọng vào một phép mầu rằng rồi đây cháu Nam sẽ khỏe mạnh và được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

Tôi mong có tiền để được chạy thận


Người phụ nữ nhỏ thó, nghèo khổ… lầm lũi tìm đến Báo Bình Dương để được mong giúp đỡ. Bởi giờ đây chị không còn con đường nào khác để đi. Gia đình gần như kiệt quệ vì gần 2 năm nay phải lo tiền cho chị chạy thận nhân tạo… Chị là Lê Thị Hiền, tạm trú ở xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên.
Từ quê hương Đồng Tháp, vợ chồng chị cùng đứa con trai lớn khăn gói lên Bình Dương làm công nhân với mong muốn đổi đời. Bởi ở quê, cuộc sống quá khó khăn. Làm công nhân xưởng gốm chưa được bao lâu, chị đã té xỉu… Các bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh suy thận mãn, muốn kéo dài sự sống phải đặt máy và chạy thận 2 lần/tuần… Từ đó đến nay đã gần 2 năm, đều đặn vào ngày thứ 3, 6 hàng tuần, chị đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận nhân tạo. Bản thân chị chạy thận nên cơ thể yếu ớt đâu thể làm được gì, ngoài chuyện lo cơm nước trong nhà. Còn chồng, con chị làm công nhân đồng lương ba cọc ba đồng mà mỗi tuần chạy thận, thuốc men hết cả triệu đồng. Chưa kể những lần quá mệt, căn bệnh cao huyết áp hành hạ, chị phải nằm lại bệnh viện vài ngày, có khi đến nửa tháng để điều trị. Bao nhiêu tiền chồng, con làm công nhân đều trôi theo căn bệnh của chị. Đến nay thì gia đình chị gần như kiệt quệ.
 
Nghĩ về những ngày sắp tới, chị Hiền rươm rướm nước mắt. “Hãy gọi đến chúng tôi”

Cầm những hóa đơn tiền chạy thận, thuốc men mỗi ngày một dày thêm, chị Hiền rưng rưng nước mắt: Chạy thận về mệt, người ta uống sữa… còn mình chỉ ráng nuốt được hột cơm nào hay hột cơm nấy bởi làm gì có tiền. Hiện tại, mỗi tháng chỉ tính tiền nhà trọ đã hết 800.000 đồng. Chắt mót lắm mới đủ tiền chạy thận, vì vậy, cả nhà hầu như chỉ rau, cháo qua ngày. Chạy được đợt thận hôm nay, cả nhà phải đau đáu lo tiền cho đợt chạy thận tới. Nhiều lúc không tiền chị nghĩ đến chuyện bỏ chạy thận, nhưng đâu thể vì chạy thận đòi hỏi một quy trình rất nghiêm ngặt. Nếu không chạy kịp thời thì cơ thể chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc” và phải chạy thận cấp cứu thì còn tốn kém gấp bội.
Suy thận mãn được xếp vào bệnh “nhà giàu” bởi phải điều trị suốt đời và rất tốn kém. Nhưng chị nghèo, nghèo đến “rớt mồng tơi” lại mắc căn bệnh hiểm ác này. “Sự sống của tôi được đếm qua những lần chạy thận. Hễ còn chạy thì còn sống mà không có tiền chạy thì…”- chị Hiền không dám nghĩ tới nữa.
Vì vậy, chị Hiền mong tấm lòng hảo tâm của tất cả mọi người giúp đỡ để chị có tiền tiếp tục điều trị, có như vậy mới mong kéo dài được sự sống.

Cậu bé xương thủy tinh


 
Bệnh xương thủy tinh là căn bệnh hiếm gặp, việc chữa trị khá tốn kém. Vậy mà em Nguyễn Hữu Chiến, 14 tuổi, đang ngụ tại khu phố 9, phường Chánh Nghĩa (TP.TDM) lại vướng phải căn bệnh này. Gia đình em đã nghèo lại càng thêm khốn khó kể từ khi Chiến mắc bệnh.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, mẹ của Chiến buồn rầu kể lại, lúc mới sinh ra, Chiến vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm em 2 tuổi, trong một lần mẹ đưa ra công viên chơi, Chiến bị té gãy chân phải bó bột. Trong vòng 5 năm, cứ vài tháng em lại té, lại bó bột. Thấy lạ, có người khuyên chị nên đưa con về Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM kiểm tra. Đưa con về đây chị mới tá hỏa khi biết con bị bệnh xương thủy tinh.
Tay chân Chiến bị biến dạng, không thể đi đứng được

Hoàn cảnh gia đình chị Hằng cũng lận đận lắm. Sau ngày giải phóng, cả nhà dắt díu nhau đi kinh tế mới. Chỉ sau thời gian ngắn gia đình lại đùm túm trở về thị xã. Nhà cửa không còn, cả gia đình phải sống ở vỉa hè ở đường Đinh Bộ Lĩnh, sau đó về ở trọ trên đường Thích Quảng Đức. Hiện nay, cả gia đình gồm 9 người đang ở nhà thuê tại phường Chánh Nghĩa, trong đó có 3 mẹ con chị Hằng. Do di chuyển nhiều nơi, nhà cửa không có nên đến giờ gia đình chị vẫn chưa có hộ khẩu. Đó là một thiệt thòi cho gia đình, vì dù biết là hộ nghèo nhưng địa phương khó lòng giúp đỡ. Chị Trần Thị Thu Hương, cán bộ xóa đói giảm nghèo cho biết, dù vậy vào những dịp tết thiếu nhi 1-6, trung thu, địa phương cũng dành những phần quà cho 2 con của chị Hằng.
Nhắc lại chuyện bệnh tình của cháu Chiến, chị Hằng nói tiếp, lần đi khám bệnh cho cháu ở trung tâm chấn thương chỉnh hình, bác sĩ bảo rằng, muốn cháu không bị gãy xương cần phải được phẫu thuật gắn nẹp inox vào chân. Chi phí cho ca mổ là không nhỏ, trong khi chị một thân một mình đi bán vé số nuôi 2 con nhỏ lấy đâu có tiền phẫu thuật cho con. Nhưng số phận cũng mỉm cười với con chị khi chương trình “Khát vọng sống” của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương biết chuyện đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí ca phẫu thuật. Từ đó, em không còn bị gãy chân nữa. Tuy nhiên, cứ mỗi tháng chị phải đưa con về thành phố tái khám, mỗi lần như vậy chi phí thuốc men mất 1,5 triệu đồng. Một thân nuôi 2 con nhỏ, một đứa bệnh xương thủy tinh, đứa đang học lớp 2, với bao nỗi lo toan đè nặng trên vai khiến người mẹ ngày càng gầy nhom. Cứ mỗi lần sắp đến ngày đưa con đi khám chị lại đứng ngồi không yên. Thấy hoàn cảnh túng bấn của mẹ con chị, bà con xóm giềng thương tình góp người 50.000 đồng, người 100.000 đồng giúp đỡ chị.
Với em Chiến, vì bệnh nên chưa một lần em được bước chân đến trường. Em tâm sự: “Nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng vui đùa và đi học, em thèm khát lắm. Lẽ ra ở tuổi này em được đi học và phụ giúp mẹ việc nhà thì hạnh phúc biết bao”. Chỉ nói được mấy câu, mắt cậu bé đã cụp xuống. Hiện tại chân Chiến không còn bị gãy nữa, nhưng theo năm tháng, đôi chân của em cong như vòng kiềng do bị biến dạng nặng không thể đi lại được. Nhìn em bò quanh quẩn trong nhà như đứa trẻ, chúng tôi vô cùng xót xa. Để chân em không còn bị gãy, trước đây em được bác sĩ phẫu thuật, cứ mỗi chân cưa 4 đoạn bắt ốc, bây giờ do chân ngày càng cong, những chỗ ấy nhô lên cấn vào da thịt rất đau. Bác sĩ cho biết, Chiến cần phải phẫu thuật thay xương nhân tạo, nếu không lâu ngày xương bị cong xỉa vào thịt. Việc phẫu thuật cho con trong lúc này đối với chị Hằng là điều không tưởng. Bởi hiện tại, chị đi làm việc nhà thuê cho nhiều nơi, mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng, chi phí thuốc men của Chiến đã ngốn hơn nửa, còn lại lo cái ăn cho 3 mẹ con chưa đủ làm gì có dư mà dám nghĩ đến chuyện phẫu thuật. Dù rất thương con nhưng chị đành nhìn con mà nuốt nước mắt vào lòng, bởi: “lực bất tòng tâm”.
Cuộc sống của Chiến hiện giờ quá mong manh. Qua chương trình này, chúng tôi mong muốn bạn đọc gần xa hãy dang rộng vòng tay cứu lấy cuộc đời em. Bởi tuổi đời của Chiến còn rất nhỏ, em cần được hưởng thụ những điều tốt đẹp ở cuộc đời này, mà từ trước đến nay em chưa một lần được chạm đến.

Hy vọng mong manh


Tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng với trường hợp của chị Lưu Lệ Kim, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứ làm tôi xót xa mãi. Căn bệnh đã bào mòn sức khỏe chị đến xác xơ, tiều tụy và đẩy gia đình đến chỗ khó khăn.
 
Từ ngày bệnh trở nặng, chị Kim về nhà mẹ ruột ở khu phố 2, phường Phú Cường, TP.TDM để mẹ chị tiện việc chăm sóc. Trong căn nhà khoảng chừng 20m2 và thêm gác lửng nhưng có đến gần 10 người sinh sống. Nghe có người đến thăm, chị khó nhọc bước xuống cầu thang. Thật không thể nhìn ra cô điều dưỡng năng nổ ngày nào, giờ đây trở nên tiều tụy, xanh xao đến vậy. Với hơi thở gấp, chị kể cho chúng tôi nghe về căn bệnh của mình.
 
 Căn bệnh đã bào mòn sức khỏe chị Kim thế này đây

Cách nay 2 năm, trong một lần tắm, vô tình chị Kim phát hiện có khối u ở vú. Lo lắng có chuyện không hay, chị liền về TP.HCM khám bệnh. Khi nghe bác sĩ thông báo bị ung thư, chị như muốn quỵ xuống, trời đất tối sầm. Nhưng cũng may là bệnh mới ở giai đoạn đầu. Sau một thời gian điều trị, vừa phẫu thuật, vô thuốc, căn bệnh đã ổn. Sau 2 năm điều trị, tưởng chừng căn bệnh đã dứt, nào ngờ lại bộc phát dữ hơn. Hiện chị đang hóa trị đợt thứ 3. Cứ mỗi lần vô thuốc là sức khỏe chị thêm suy kiệt, phải nghỉ ngơi vài ngày mới lấy lại sức thì lại tiếp tục vô toa thuốc kế tiếp. Ai đã mắc căn bệnh ung thư, dù gia đình có giàu có, nhưng với thời gian điều trị kéo dài thì chẳng mấy chốc túi tiền cũng cạn kiệt. Với chị Kim, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn, nhà cửa chưa có, công việc làm của chồng không ổn định nên gần như đồng lương của chị là thu nhập chính của gia đình. Từ khi chị mắc bệnh, tiền bạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Bà con họ hàng thương tình cho mượn tiền đi trị bệnh, dù biết chị khó có khả năng chi trả. Chị cho biết, mỗi đợt điều trị 20 triệu đồng, bảo hiểm y tế thanh toán 50%, phần còn lại chị tự lo. Giờ đây, căn bệnh của chị ngày càng trầm trọng, đã di căn sang nhiều bộ phận khác trong cơ thể khiến cho chị vô cùng đau đớn. Ăn, ngủ không được, người chị ngày càng gầy yếu, sức khỏe suy kiệt. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, dù cố kìm nén nhưng chị cứ ôm ngực nhăn nhó.
Có một điều lạ là chị Kim không muốn cho mọi người biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Dù chị không lý giải được lý do vì sao muốn giấu mọi người, nhưng qua cách tâm sự, tôi biết chị mặc cảm, không muốn ai thương hại mình. Cũng vì lý do này mà khi mới phát bệnh, chị âm thầm đi điều trị mà không báo cho bệnh viện biết. Dù vậy, đồng nghiệp cũng đoán ra, nhưng vì thấy chị mặc cảm nên chỉ biết nhìn chị bằng ánh mắt e ngại. Đến khi bệnh tái phát gia đình đưa chị lên bệnh viện cấp cứu, lúc này mọi người mới gom góp tiền giúp chị chữa chạy bệnh. Căn bệnh hành hạ như vậy nhưng chị vẫn gắng sức vừa trị bệnh vừa đi làm để có thêm thu nhập trang trải chi phí trị bệnh. Từ đầu tháng 9 đến nay, do sức khỏe quá suy kiệt, chị Kim đã nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Chị Nguyễn Thị Mai, điều dưỡng trưởng khu khám bệnh đa khoa tỉnh nhận xét: “Biết hoàn cảnh gia đình Kim khó khăn, bệnh viện và đông đảo đồng nghiệp đã giúp đỡ cô khá nhiều. Điều dưỡng Kim nhiệt tình, tận tụy với công việc nên được bệnh nhân quý mến. Năm 2013 là cô đủ thời gian nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Dù bị bệnh tật hành hạ nhưng chị Kim vẫn còn hy vọng bệnh thuyên giảm để chị có sức khỏe lo cho đứa con trai nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Để hy vọng của chị không tắt, rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của bạn đọc gần xa.

Hãy giúp em Tiến...


Tuổi lên 9, cái tuổi vui chơi hồn nhiên của các em nhỏ, nhưng với em Nguyễn Lê Văn Tiến ở khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, TX.Dĩ An lại khác. Mỗi khi nhìn chúng bạn chạy nhảy vui đùa cùng nhau em lại ước rằng mình cũng được khỏe mạnh để chạy nhảy như các bạn. Thế nhưng, vì bị bệnh thoát vị bẹn nên em đành phải ngồi đó nhìn các bạn. Với thu nhập ít ỏi từ công việc bán bánh ít của mẹ, không biết đến khi nào mẹ em mới có đủ tiền để phẫu thuật thoát vị bẹn cho em...
Từ nhỏ em đã phải sống chung với bệnh tim bẩm sinh. 2 năm trước, em đã được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí. Hiện tại, ngoài căn bệnh thoát vị bẹn, em Tiến còn bị suy dinh dưỡng. Mấy năm gần đây, con mắt bên phải của em bị sụp mí nên thị giác của em cũng không được tốt... Mới mấy tuổi đầu em đã phải mang trong mình một lúc nhiều căn bệnh khác nhau, nên sức khỏe của Tiến rất yếu. Năm nay, Tiến bước sang tuổi thứ 9 nhưng em chỉ nặng khoảng 15kg, người còm nhom, yếu ớt, trông em chỉ khoảng 5 -6 tuổi. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Vì bệnh tật riết như thế, nên việc học của Tiến cứ mãi dở dang. Hiện nay Tiến chỉ mới học lớp 1 thôi. Vì cháu uống thuốc nhiều nên khi cầm bút viết chữ hơi run tay. Người ta bảo, phải cho Tiến ăn uống bồi dưỡng nhiều vô, nhưng hoàn cảnh gia đình mình nghèo khó vậy nên không thể lo cho con đầy đủ, có gì ăn đó thôi. Thấy con yếu, ốm như thế chị cũng rầu lắm, muốn vô nước biển cho con khỏe hơn nhưng cũng không đủ sức...”.
 
Em Nguyễn Lê Văn Tiến và mẹ

Cách đây 6 năm, ba em đã ra đi vì căn bệnh ung thư ruột quái ác, để lại cho chị Hạnh 4 đứa con nheo nhóc. Để nuôi 4 đứa con, chị chọn nghề làm bánh ít bột mì. Hàng đêm, chị Hạnh phải thức đến gần sáng mới làm xong 200 - 300 cái bánh ít để mai mang ra chợ Dĩ An bán. Ngày nào mua may bán đắt, chị kiếm được khoảng 60.000 - 70.000 đồng tiền lời từ công việc này. Hết bán bánh ở chợ, chị về nhà chiên chuối chiên mang ra trước hẻm bán. Mấy tháng nay con đường phía trước hẻm nhà chị đang sửa chữa, chị đành phải nghỉ bán. Những khi rảnh rỗi, ai kêu làm gì chị làm thêm cái đó để kiếm thêm tiền lo cho con, nhưng không phải khi nào người ta cũng cần đến chị. Cực khổ là vậy, nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua, chỉ mong con cái khỏe mạnh, được học hành đàng hoàng. Hiện nay 3 chị em của Tiến vẫn được mẹ cho đến trường (trừ chị gái đầu đã đi lấy chồng).
Nhiều khi nhìn Tiến yếu ớt, bệnh tật như thế chị Hạnh không cầm được nước mắt, nhưng vì nhà nghèo nên đành phải nhìn con thơ “chung sống” với bệnh tật. Chị Hạnh nghẹn ngào: “Bác sĩ nói phải mổ thoát vị bẹn cho cháu thì sức khỏe của cháu mới đỡ hơn. Nghe nói chi phí phẫu thuật khoảng 4 - 5 triệu đồng nhưng vì điều kiện nhà mình quá chật vật nên đến nay vẫn không lo được cho cháu”. Sinh hoạt của cả nhà gồm 4 người nhưng chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền lời từ công việc làm, bán bánh ít của chị đúng là khó để tiết kiệm được số tiền đó. Chị Hạnh tâm sự: “Mỗi khi mình không trông chừng là cháu lại ra sân chạy nhảy. Có lần phải đưa cháu đi Bệnh viện Nhi Đồng cấp cứu. Nếu có tiền mình đã lo cho cháu được phẫu thuật rồi, chứ đâu để cháu phải chịu cảnh này...”. Bởi thế, khi trò chuyện với chúng tôi người mẹ nghèo ấy bảo “Ước gì mình trúng được tờ vé số để có tiền lo cho con”, dù không khi nào chị dám bỏ ra 10.000 đồng để mua một tờ vé số. “Nhìn cháu vì bị bệnh mà thua sút bạn bè, mình làm mẹ đau lòng lắm. Bây giờ chị chỉ mong có tiền để lo cho nó được mạnh khỏe, phát triển và lớn lên như những đứa trẻ khác...”, nói đến đây chị Hạnh lại ứa nước mắt. Mong là vậy nhưng không biết đến bao giờ chị mới có đủ tiền để lo cho con.
Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm chia sẻ với em Tiến. Chỉ có như thế em mới có chi phí phẫu thuật thoát vị bẹn. Và chỉ có như thế tuổi thơ của em mới sớm trở lại hồn nhiên như bao bạn bè.

Nỗi lo của cô học trò nghèo trước ngưỡng cửa đại học


Với những cô cậu học trò thì niềm vui nào bằng được bước chân vào giảng đường đại học (ĐH). Tuy nhiên cũng có nhiều người niềm vui đó không được trọn vẹn vì bên cạnh niềm vui là trĩu nặng nỗi lo, lo vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, liệu có đủ sức để trang trải cho những năm ĐH...
Kể từ khi hai vợ chồng ly hôn, đã gần 15 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Lan ở khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, TX.Thuận An sống cảnh mẹ góa con côi với gia cảnh hết sức khó khăn. Khi chúng tôi đến, hai mẹ con chị đang ở trong căn nhà cũ nát không đủ che mưa nắng. Được biết, năm 2011 chị đã có làm hồ sơ ở phường để được cất nhà Đại đoàn kết nhưng chưa được phê duyệt. Hiện tại thu nhập của gia đình chủ yếu từ mảnh vườn của mẹ chị để lại, nhưng là đàn bà chân yếu tay mềm, việc chăm sóc vườn tược làm sao bằng đàn ông, cộng thêm mấy năm gần đây nguồn nước bị ô nhiễm nên thu hoạch cũng chẳng đáng là bao. Để có tiền nuôi con ăn học chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy nhưng công việc cũng không ổn định. Con gái chị là Nguyễn Tú Hằng dường như ý thức được cuộc sống nghèo khó và thương mẹ vất vả nên đã nỗ lực rất nhiều trong học tập. Từ những năm học tiểu học đến THPT, Hằng đều đạt học lực khá giỏi. Và trong năm 2012 này, Hằng đã thi đậu vào trường ĐH Thủ Dầu Một, chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
 
Trong căn nhà cũ dột nát, tủ sách là quý nhất đối với Hằng
Thi đậu ĐH không hẳn là điều quá khó đối với nhiều người nhưng với cô bé có hoàn cảnh khó khăn như Hằng thì đó là một nỗ lực rất đáng khen ngợi, là món quà quý giá nhất mà Hằng dành tặng cho mẹ đã tảo tần nuôi mình ăn học. Hằng khoe với chúng tôi giấy báo của trường gửi nhập học nhưng em cũng thấy lo vì mẹ chắc sẽ phải vất vả hơn và liệu có lo đủ tiền để trang trải trong 4 năm em học ĐH hay không. Chị Lan tâm sự, có những đêm hai mẹ con nằm thủ thỉ với nhau, Hằng bảo: “Con sẽ xin đi bán hàng ở siêu thị để mẹ không phải lo tiền học cho con”. Nhưng chị một mực không cho con đi làm thêm vì mới nhập học chưa biết ra sao đi làm thêm liệu có đủ sức khỏe để học không. Nên dù vất vả đến đâu chị cũng xoay sở để cho con được học đến nơi đến chốn. Hằng nói, em có nghe ở phường cũng có cho học sinh nghèo vay vốn đi học nên trước mắt em và mẹ muốn xin vay nguồn vốn này. Em chia sẻ với chúng tôi rằng hiện tại em sẽ cố gắng học thật tốt để hoàn thành chương trình ĐH, có được việc làm để giúp mẹ.
Chắc hẳn chúng ta không khỏi xúc động và cảm thông với hoàn cảnh của cô tân sinh viên mà phía trước giảng đường ĐH đang mở ra cho em một tương lai tươi sáng hơn. Chia tay, chúng tôi chúc mẹ con chị sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và chúng tôi tin chắc rằng xã hội sẽ giang rộng vòng tay với những người nghèo nhưng không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống như mẹ con chị.                 

Không nơi nương tựa!


 
Sau ngày mẹ Sanh qua đời, bà con khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, TX.Thuận An rất ít khi được nhìn thấy nụ cười hiền luôn hiện trên mặt của ông Quảng Văn Bài như trước. Cũng vì thế, căn bệnh cũ trong cơ thể ông nay càng nặng, khiến ông tiều tụy, già yếu trước tuổi.
Căn nhà tình nghĩa bằng gỗ được địa phương xây tặng cho mẹ liệt sĩ Quảng Thị Sanh cách đây đã gần 20 năm, nay đã xuống cấp. Một phần bị mối mọt tấn công, một phần ẩm thấp do ngập nước nên không biết sẽ sập xuống lúc nào. Trong căn nhà ấy hiện không có một vật dụng gì giá trị hơn chiếc xe lăn của ông Quảng Văn Bài. Mấy ngày gần đây, bà con trong khu phố không thấy ông xuất hiện ở quán cháo lòng của cô Bé Tư ngay đầu con phố, vậy là họ biết ông đã bệnh nằm liệt giường. Người thì góp cho ông lon gạo, có người nấu sẵn bới cho ông tô cơm. Ai cho gì ăn đó, chứ có lúc ông không còn đủ sức để nấu nổi nồi cơm. Ông Bài thì thào nhỏ nhẹ: “Không có cô Bé Tư, chắc tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Sáng nào cũng vậy, thấy tôi đẩy xe lên là cô ấy múc cho tô cháo lót dạ. Những hôm ốm đau không đi nổi, thỉnh thoảng cô ấy kêu người đem xuống”.
 
Cán bộ khu phố Thạnh Hòa A thăm hỏi sức khỏe ông Bài
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, ông Bài ngước mặt nhìn những tia nắng lọt qua mái tôn gỉ sét rồi thở dài: “Anh em thì đông nhưng bây giờ chẳng còn ai. Người thì chết do bệnh tật, người thì chết do dính phải bom mìn. Anh Sáu tên Võ Văn Nè tham gia cách mạng từ năm 1961, đến năm 1965 thì hy sinh ở chiến trường Hóc Môn, TP.HCM. Anh ấy lấy đúng theo họ của ba. Tôi vì trốn đi lính nên lấy họ mẹ”, ông Bài giải thích. Năm 1973, trong một lần trốn lính, ông đã giẫm phải mìn chống tăng và phải nằm liệt giường. Gần 10 năm sau đó ông mới tập tễnh đi bằng nạng, đi đâu xa thì ngồi xe lăn. Cũng chừng ấy thời gian, mẹ Sanh đã còm cõi lo cho ông từ miếng cơm manh áo, thuốc men. “Ngoài tiền trợ cấp liệt sĩ, hàng ngày mẹ phải dầm mưa dãi nắng buôn thúng bán bưng mới đủ chi tiêu cho gia đình. Vì lo cho tôi mà mẹ đã chịu quá nhiều vất vả”, ông Bài nghẹn ngào.
Cách đây 4 năm, mẹ Sanh qua đời vì bệnh nặng, ông Bài trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Ông hụt hẫng, buồn đau. Bản thân lại ốm đau, không làm gì kiếm ra tiền mua thuốc nên bệnh tình càng trở nặng. Đã nhiều năm qua, mỗi tháng ông chỉ sống dựa vào 340.000 đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thương cho hoàn cảnh của ông, bà Đỗ Thị Thu Trang, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Thạnh Hòa A đã vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho ông 10kg gạo/tháng. Ông Bài tâm sự: “Cứ mỗi lúc trái gió trở trời là toàn thân tôi đau nhức không đi lại được, nhất là vào tháng mưa”. Với số tiền ít ỏi có được, ông chỉ để dành mua thuốc uống. Hôm nào hết thuốc thì ráng chịu đau. Ông bảo: “Ăn uống chỉ “qua loa”. Bà con lối xóm có thương, cho gì thì ăn đó. Nhiều lúc cũng nhịn đói, nhưng riết rồi quen”.
Khổ cực, bệnh đau, vậy mà ông đã sống như thế hết ngày này qua tháng nọ. Cả cuộc đời của ông gần như chưa bao giờ được sướng, chưa bao giờ cầm được tiền triệu. Nhưng có lẽ ông cũng không mơ tưởng gì quá cao xa ngoài việc có được ít tiền để uống thuốc trị bệnh.