Căn
nhà tình nghĩa bằng gỗ được địa phương xây tặng cho mẹ liệt sĩ Quảng Thị Sanh
cách đây đã gần 20 năm, nay đã xuống cấp. Một phần bị mối mọt tấn công, một phần
ẩm thấp do ngập nước nên không biết sẽ sập xuống lúc nào. Trong căn nhà ấy hiện
không có một vật dụng gì giá trị hơn chiếc xe lăn của ông Quảng Văn Bài. Mấy
ngày gần đây, bà con trong khu phố không thấy ông xuất hiện ở quán cháo lòng của
cô Bé Tư ngay đầu con phố, vậy là họ biết ông đã bệnh nằm liệt giường. Người thì
góp cho ông lon gạo, có người nấu sẵn bới cho ông tô cơm. Ai cho gì ăn đó, chứ
có lúc ông không còn đủ sức để nấu nổi nồi cơm. Ông Bài thì thào nhỏ nhẹ: “Không
có cô Bé Tư, chắc tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Sáng nào cũng vậy, thấy
tôi đẩy xe lên là cô ấy múc cho tô cháo lót dạ. Những hôm ốm đau không đi nổi,
thỉnh thoảng cô ấy kêu người đem xuống”.
Cán bộ khu phố Thạnh Hòa A thăm hỏi sức khỏe ông Bài |
Cách
đây 4 năm, mẹ Sanh qua đời vì bệnh nặng, ông Bài trở nên bơ vơ không nơi nương
tựa. Ông hụt hẫng, buồn đau. Bản thân lại ốm đau, không làm gì kiếm ra tiền mua
thuốc nên bệnh tình càng trở nặng. Đã nhiều năm qua, mỗi tháng ông chỉ sống dựa
vào 340.000 đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước. Thương cho hoàn cảnh của ông, bà Đỗ
Thị Thu Trang, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Thạnh Hòa A đã vận động
Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho ông 10kg gạo/tháng. Ông Bài tâm sự: “Cứ mỗi lúc trái
gió trở trời là toàn thân tôi đau nhức không đi lại được, nhất là vào tháng
mưa”. Với số tiền ít ỏi có được, ông chỉ để dành mua thuốc uống. Hôm nào hết
thuốc thì ráng chịu đau. Ông bảo: “Ăn uống chỉ “qua loa”. Bà con lối xóm có
thương, cho gì thì ăn đó. Nhiều lúc cũng nhịn đói, nhưng riết rồi
quen”.
Khổ
cực, bệnh đau, vậy mà ông đã sống như thế hết ngày này qua tháng nọ. Cả cuộc đời
của ông gần như chưa bao giờ được sướng, chưa bao giờ cầm được tiền triệu. Nhưng
có lẽ ông cũng không mơ tưởng gì quá cao xa ngoài việc có được ít tiền để uống
thuốc trị bệnh.