Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Bế tắc nhìn con chống chọi với bệnh ung thư máu


Nhìn vẻ hồn nhiên của bé Trương Đình Nam khi chơi đùa với các bạn cùng xóm trọ không ai nghĩ rằng cháu đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác. Căn bệnh hiểm nghèo đang dần cướp đi tuổi thơ trong sáng của cháu, cướp đi cuộc sống bình yên, hạnh phúc của gia đình cháu và cũng có thể cướp đi tính mạng của cháu, một đứa trẻ thông minh và xinh xắn nếu cháu không được kịp thời cứu chữa...
Đã nghèo lại gặp cái eo
Chúng tôi tìm đến xóm trọ ở địa chỉ 21/7A, khu phố Thống Nhất, TX.Dĩ An, nơi gia đình anh Trương Đình Thái và chị Lưu Thị Xen sinh sống vào lúc tối mịt vì ban ngày anh chị phải cho cháu lên Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) để chạy chữa. Chị hàng xóm bảo chúng tôi: “Ngồi chờ một chút. Hôm nay hai vợ chồng đi xe buýt nên về hơi trễ. Chiếc xe máy, phương tiện đi lại hàng ngày và là tài sản cuối cùng đã bị đem đi cầm hôm qua rồi. Đi lại vất vả thế nhưng ngày nào vợ chồng nó cũng đưa con về vì trong bệnh viện thì không có chỗ ở mà thuê nhà thì 100.000 đồng/ngày, tiền đâu mà chịu cho nổi”. Anh Thái sinh năm 1982, quê Yên Bái là người dân tộc Dao. Anh chị gặp và yêu nhau khi anh đang đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh chị lấy nhau và cùng nhau rời quê hương vào Bình Dương lập nghiệp. Anh chị được nhận vào làm công nhân một công ty gỗ tại KCN Sóng Thần. Đến năm 2009, anh chị sinh được đứa con trai đầu lòng rất kháu khỉnh là cháu Trương Đình Nam. Dù cuộc sống có hơi khó khăn nhưng gia đình nhỏ của anh chị rất hạnh phúc và luôn tràn ngập tiếng cười. Số phận nghiệt ngã, niềm vui của anh chị chưa được trọn vẹn thì cháu Nam phát bệnh, cháu liên tục sốt cao 39 - 40 độ, sau bao nhiêu tháng chuyển hết bệnh viện này sang bệnh viện khác để hội chẩn, ngày 9-10-2011, các bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu, lúc đó cháu mới vừa tròn 2 tuổi.
 
Gia đình anh Thái đang bế tắc nhìn con chống chọi với căn bệnh ung thư

Từ ngày Nam bị bệnh, cuộc sống của gia đình anh chị cũng kiệt quệ dần theo những toa thuốc đắt đỏ và những lần vô hóa chất của cháu. Lúc đầu vợ chồng thay phiên nhau xin nghỉ phép để lên viện chăm sóc con, nhưng những hôm cháu phải vô hóa chất hay chọc tủy thì phải có hai người, một người chăm cháu còn một người chạy ra chạy vô theo những yêu cầu của bác sĩ. Bữa làm bữa nghỉ như vậy nên cả anh và chị đều bị công ty cho nghỉ việc nên không có thu nhập. Bây giờ, hôm nào cháu Nam điều trị nhẹ thì một mình chị Xen ở lại chăm sóc con còn anh Thái tranh thủ chạy vể xin đi làm phụ hồ hoặc ai thuê gì làm nấy. Cả hai bên gia đình nội ngoại nghe tin cháu bị bệnh cũng dốc hết tiền bạc gửi vào lo cho cháu nhưng vẫn như muối bỏ bể. Vì dốc hết tiền lo thuốc thang cho cháu nên kinh tế gia đình ngày càng cạn kiệt, nghèo nàn. Chính quyền địa phương đã xét duyệt cho gia đình anh thuộc “Hộ nghèo đặc biệt”. Đã vậy, ông nội cháu lại là thương binh hạng 3/4, mất sức lao động 63%, do vết thương mang trên mình nên thường xuyên đau ốm. Cứ thế hai vợ chồng anh Thái đang ngày đêm cùng con chiến đấu với bệnh tật trong miên man những nỗi lo và nhờ vào những bữa cơm từ thiện của cộng đồng giúp đỡ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh chị, bà con hàng xóm cũng rất thương, chủ nhà trọ cũng bớt tiền thuê nhà cho anh chị. Biết anh chị cần tiền nên mọi thứ trong nhà đều bị đem đi bán hết nên cách đây mấy hôm có một chú chuyên đi mua đồ điện tử cũ mua được cái đầu đĩa còn rất tốt với giá 300.000 đồng, chú đem qua tặng cho bé Nam để cháu coi ca nhạc cho đỡ buồn.
“Chú lính chì” bé nhỏ
Đáng thương nhất vẫn là cháu Nam. Nhìn cháu bi bô nói cười ít ai ngờ được cháu phải chịu bao nhiêu đớn đau trong suốt một năm qua. Những lần vô hóa chất, tóc và lông mày, lông mi cháu rụng hết nhìn rất đáng thương. Nhìn thân hình cháu mũm mĩm không ai nghĩ cháu bị bệnh nặng như vậy, cháu mập như vậy là do trong các toa thuốc cháu điều trị hàng ngày có chất dexamethasone nên cơ thể cháu bị phù vì trữ nước. Anh Thái kể: “Bữa nay còn đỡ, chứ có bữa cái tay nó sưng to như cái ấm pha trà lớn ấy. Bữa trước chân cháu còn bị liệt nữa”. Cứ một tháng cháu phải vô hóa chất một toa, một toa như vậy hết mấy ngày. Đó là chưa kể một tuần cháu bị chọc tủy một lần, rồi truyền máu, tiêm thuốc... không lúc nào cơ thể cháu không có những vết bầm tím. Mẹ cháu vừa khóc vừa kể: “Thương nhất là mỗi lần chọc tủy, mình là người lớn mà còn không chịu nổi huống chi cháu chỉ mới 3 tuổi. Vậy mà như biết thương ba, thương mẹ và biết hoàn cảnh bệnh tật của mình nên mỗi lần chọc tủy là cháu tự động nằm úp mặt xuống, chổng mông lên cho hai đầu gối ép sát vào ngực để cho các đốt xương lòi ra cho bác sĩ chọc lấy tủy. Cháu chỉ khóc thét lên lúc đó vì quá đau rồi sau đó lại ngoan ngoãn nằm im cho các bác sĩ điều trị. Cứ mỗi lần nhìn thấy con như vậy là cả hai vợ chồng lại không thể nào cầm được nước mắt. Bác sĩ nói rằng căn bệnh này phải điều trị lâu dài và rất tốn kém. Bây giờ chúng tôi cũng không biết phải làm như thế nào nữa, tiền thì không còn mà bỏ con ở lại đi làm thì không đành lòng”.
Vừa rồi, do hoàn cảnh bế tắc và không còn tiền chữa trị nên vợ chồng anh Thái đã đưa cháu về quê. Nhưng các bác sĩ và những người cùng cảnh ngộ với gia đình anh ở Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) gọi điện khuyên anh chị đưa cháu vào tiếp tục điều trị vì “còn nước còn tát”, trong khi tỷ lệ chữa khỏi bệnh cho cháu Nam là rất cao. Thương con, anh chị lại tiếp tục đưa cháu vào. Giờ đây, trước mắt vợ chồng anh là đứa con trai đang ngày đêm chống chọi với nỗi đau bệnh tật, là số tiền lớn được ghi dưới mỗi toa thuốc, là muôn vàn những khó khăn chồng chất... Nhưng mỗi ngày bên những bữa cơm từ thiện của cộng đồng, anh chị vẫn đang tiếp tục hy vọng vào một phép mầu rằng rồi đây cháu Nam sẽ khỏe mạnh và được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.